Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN do Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, thay thế Thông tư liên tịch số 44/2013/TT-BCT đã chính thức có hiệu lực vào 21-3. Theo đó, thép nhập khẩu phải qua hai bước 2 kiểm tra gồm: Đánh giá sự phù hợp về chất lượng của thép do các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện; kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan kiểm tra nhà nước thực hiện.

Cơ quan Hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp bản thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định.

Riêng đối với sản phẩm thép nhập khẩu có mã HS 7224.10.00 và 7224.90.00, doanh nghiệp phải bổ sung các giấy tờ gồm: Bản kê khai thép nhập khẩu đã được Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) xác nhận; Bản sao giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép của Sở Công Thương tỉnh, thành phố.

iltvn.com - kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu

Đối với các mặt hàng thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo từ 0.0008% trở lên, thép hợp kim có chứa nguyên tố Cr từ 0,3% trở lên, hoặc thép sản xuất que hàn, ngoài các chứng từ quy định về kiểm tra chất lượng nêu trên, doanh nghiệp nhập khẩu thép phải bổ sung Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công Thương (trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép đồng thời là người sử dụng thép) khi làm thủ tục nhập khẩu.

Cùng với việc "siết" thép nhập khẩu theo Thông tư 58, từ ngày 22-3, việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam chính thức có hiệu lực, với mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài.

Có thể thấy, đây là các biện pháp được đưa ra để hạn chế thép nhập khẩu, sau một thời gian dài các doanh nghiệp "kêu cứu" với cơ quan quản lý.

 Phan Thu / Báo Hải Quan