Từ ngày 5/6, một loạt văn bản pháp luật về lĩnh vực hải quan có hiệu lực
Nghị định 59/2018/NĐ-CP; Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa Xuất khẩu, nhập khẩu và Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2018.
Đây là các văn bản quy phạm pháp luật “xương sống”, là nền tảng cho toàn bộ thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều vấn đề quan trọng về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa Xuất khẩu, nhập khẩu, liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN đã được sửa đổi, bổ sung tại hai văn bản quy phạm pháp luật trên.
Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã điều chỉnh nhiều quy định quan trọng liên quan đến các nhóm vấn đề cơ bản như: Nhóm vấn đề về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, trung chuyển; nhóm vấn đề về kiểm tra, xác định trị giá hải quan; nhóm vấn đề về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; nhóm vấn đề công tác chống buôn lậu và một số thủ tục hải quan liên quan đến các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác, về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính... nhằm đảm bảo công tác quản lý về hải quan, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và minh bạch trong quá trình thực hiện.
Dưới Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Nghị định 08/2015/NĐ-CP, một văn bản được chờ đợi và mất rất nhiều thời gian, công sức để sửa đổi là Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC. Xác định tầm quan trọng và những nội dung của dự thảo Thông tư có liên quan đến các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, Tổng cục Hải quan đã nghiêm túc thực hiện các hoạt động cần thiết cho công tác soạn thảo dự thảo Thông tư theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tổ chức một số hội thảo khoa học có sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ các cục Hải quan địa phương, các DN; các nhà khoa học; cán bộ làm công tác thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi về các định hướng, nội dung cơ bản của Thông tư…
Nội dung Thông tư 39/2018/TT-BTC có nhiều quy định mới về thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong đó, liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan những nội dung quan trọng được sửa đổi trong thông tư này gồm: Hồ sơ hải quan; nộp hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử; khai hải quan; thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai; khai bổ sung hồ sơ hải quan; khai thay đổi mục đích sử dụng; hủy tờ khai hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của chi cục hải quan đăng ký tờ khai; giám sát hải quan trong việc lấy mẫu; đưa hàng về bảo quản; hàng hóa vận chuyển chụy sự giám sát hải quan; niêm phong hải quan; khai bổ sung tờ khai vận chuyển độc lập; hủy tờ khai vận chuyển độc lập; thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập; giám sát hải quan.
Liên quan đến quản lý hải quan hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, DN chế xuất, thông tư lần này sửa quy định về định mức hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; thông báo cơ sở sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu , hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công; báo cáo quyết toán; xử lý chênh lệch thừa nguyên liệu, vật tư sau kết quả kiểm tra; thủ tục nhập khẩu cho thuê tài chính.
Cùng với những thay đổi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, nhiều nội dung về thuế xuất khẩu , thuế nhập khẩu và quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó vấn đề quan trọng là sửa quy định về kiểm tra, xác định trị giá hải quan: Bổ sung căn cứ bác bỏ trị giá khai báo trong thông quan; bổ sung thẩm quyền xác định trị giá, ấn định thuế sau khi bác bỏ trị giá khai báo trong thông quan; xử lý kết quả tham vấn; sửa đổi quy định về tham vấn một lần…
Cùng với việc ban hành Thông tư 39/2018/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là văn bản triển khai Điều 32 Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương; cũng như cụ thể hóa Điều 26 tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và pháp lý hóa một số hướng dẫn của Bộ Tài chính trước đây về thời điểm nộp C/O, trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan.
Các vấn đề chính được đưa vào Thông tư 38/2018/TT-BTC gồm: Hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa, các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; về kiểm tra sau thông quan đối với xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu .
Đáng chú ý là các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực hải quan được sửa đổi lần này triển khai rất nhiều thủ tục bằng phương thức điện tử, nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN.