Tăng xử phạt người xếp hàng hóa quá tải trọng lên ô tô tại các cảng, bến thủy nội địa
Đó là một trong những kiến nghị của Thanh tra Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) về việc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho thanh tra chuyên ngành thuộc Cục ĐTNĐ và Cảng vụ ĐTNĐ.
Bến thủy, cảng biển.
Qua kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã kiến nghị cơ quan cảng, bến xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của 2 cảng có vi phạm.
Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của các sở giao thông vận tải (GTVT) thì thanh tra các sở GTVT đã xử lý vi phạm với 58 chủ thể là doanh nghiệp, bến, cảng có vi phạm quy định xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép. Trong đó, 499 trường hợp vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm tải trọng đã bị phạt tiền tới 660,5 triệu đồng.
Tính đến nay, Bộ GTVT đã ủy quyền cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với 63 địa phương tổ chức cho 3.044 doanh nghiệp đầu nguồn hàng ký cam kết không xếp hàng hóa lên xe quá tải trọng; 206/206 doanh nghiệp cảng biển và 3.857 cảng, bến thủy nội địa đã ký cam kết.
Để thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa cảng, bến thủy nội địa, Cục ĐTNĐ đã giao lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào nhiều chuyên đề trọng tâm. Trong đó, phối hợp với kiểm tra, xử lý các vi phạm về xếp hàng hóa quá tải trọng cho phép lên xe ô tô tại các cảng, bến thủy nội địa.
“Bên cạnh công tác tuyên truyền, phối hợp kiểm tra theo chuyên đề, để góp phần ngăn chặn các phương tiện vận tải hàng hóa bằng ô tô chở quá tải trọng cho phép tại các bến cảng, bến thủy nội địa, lực lượng cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật tất cả các bến thủy nội địa, đặc biệt là bến hàng hóa hoạt động không phép trên phạm vi địa bàn trách nhiệm” - lãnh đạo Thanh tra Cục ĐTNĐ nhấn mạnh.
Tuy vậy, thực tế quá trình kiểm tra cũng gặp không ít khó khăn như: Không thể xác định được trọng tải của hàng hóa trên ô tô do không có thiết bị kiểm tra, cân tải. Thêm nữa, lực lượng thanh tra chuyên ngành thuộc Cục ĐTNĐ không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về xếp hàng hóa lên xe ô tô tại cảng, bến. Do đó, chưa chủ động được trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; việc kiểm tra cần sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra đường bộ thì mới đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thanh tra và xử lý vi phạm...
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Thanh tra Cục ĐTNĐ kiến nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho thanh tra chuyên ngành thuộc Cục ĐTNĐ và Cảng vụ ĐTNĐ đối với hành vi vi phạm về xếp hàng hóa lên xe ô tô trong cảng, bến thủy nội địa.
Lực lượng chức năng của thanh tra giao thông đường thủy, Cảng vụ ĐTNĐ cũng cần được đầu tư trang thiết bị công tác, trong đó có cân xách tay để thực hiện việc kiểm tra, xác định khối lượng hàng hóa xếp lên xe tại cảng, bến.
“Trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa lực lượng thanh tra giao thông vận tải địa phương với lực lượng thanh tra chuyên ngành, Cảng vụ thuộc Cục ĐTNĐ. Đặc biệt, Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để tăng chế tài xử phạt đối với người xếp hàng hóa lên xe ô tô để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng hóa tại các cảng, bến thủy nội địa” - lãnh đạo Thanh tra Cục ĐTNĐ kiến nghị.
Nguồn: Báo Thanh tra