4.959 dòng thuế nhập khẩu từ Liên minh kinh tế Á - Âu sắp về 0%
Để chuẩn bị thực hiện cam kết theo Hiệp định thương mại tự do Việt nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), Bộ Tài chính đã xây dựng xong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Trong đó, 4.959 dòng thuế được cắt giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Biểu thuế này được xây dựng theo từng giai đoạn, trước mắt, Bộ Tài chính đưa ra lộ trình cắt giảm cho giai đoạn 2016-2018 để thống nhất với các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong các FTA đang thực hiện của Việt Nam và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi biểu thuế từ HS2012 sang HS2017.
Căn cứ biểu thuế lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam đính kèm Hiệp định, Việt Nam cần thực hiện cắt giảm 4.959 dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (dự kiến trong năm 2016), chiếm 52,4% tổng biểu.
Năm 2018, có thêm 144 dòng thuế được cắt giảm về 0%, tăng tổng số dòng thuế 0% của Hiệp định lên 5.103 dòng, tương đương với khoảng 54% tổng số dòng thuế.
17 dòng áp dụng hạn ngạch thuế quan thuộc 2 nhóm mặt hàng là trứng gia cầm với thuế suất trong hạn ngạch là 15% năm 2016, 7,5% năm 2017, 0% năm 2018 và lá thuốc lá chưa chế biến với thuế suất trong hạn ngạch là 7% năm 2016 (trừ dòng 2401.30.10 là 5%), 5% năm 2017, 2018.
Lượng hạn ngạch với các dòng hàng này có thể tách riêng hoặc nằm trong lượng hạn ngạch mà Việt Nam cam kết trong WTO. Bộ Công Thương sẽ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về lượng hạn ngạch dành riêng cho Liên minh kinh tế Á Âu.
Để hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất Việt Nam - EAEU, hàng hóa nhập khẩu phải thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư này; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định; được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu và đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định (C/O - Mẫu EAV) theo quy định của Bộ Công Thương.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EAEU được ký kết vào ngày 29-5-2015 và đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn tại Quyết định số 1805/QĐ-CTN. Hiệp định dự kiến sẽ có hiệu lực trong quý 2-2016 sau khi các nước Liên minh Kinh tế Á Âu (Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) phê chuẩn Hiệp định.
H.Vân