Bộ Tài chính: Từ ngày 07/5/2020, rượu sản xuất và rượu nhập khẩu phải được dán tem
Từ ngày 07/5/2020, rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), gọi chung là chai đều phải dán tem.
Ngày 23/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu. Theo đó, từ ngày 07/5/2020, rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định cụ thể của Bộ Tài chính.
Nguyên tắc dán tem
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), gọi chung là chai đều phải dán tem. Cụ thể, mỗi chai được dán một 01 con tem. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài.
Tem rượu phải được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.
Đối với rượu sản xuất trong nước, tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu (sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước phải thực hiện dán tem đúng quy định cho sản phẩm rượu sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước.
Quản lý tem rượu sản xuất trong nước
Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế thực hiện in và thông báo phát hành tem rượu sản xuất trong nước bằng văn bản gửi cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi bán tem. Đồng thời, đăng tải công khai thông báo phát hành tem rượu sản xuất trong nước trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong vòng mười lăm 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo có hiệu lực.
Tem sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước chỉ được bán cho tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu còn hiệu lực.
Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Chi cục Thuế tổ chức bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân này để tổ chức, cá nhân tự dán tem rượu sản xuất trong nước theo quy định.
Đặc biệt, Thông tư quy định cụ thể, các tổ chức, cá nhân không được chuyển nhượng, bán (trừ cơ quan Thuế), vay, mượn và cho vay, cho mượn tem rượu.
Quản lý tem rượu nhập khẩu
Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu gửi cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi cấp tem cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp mẫu tem đang sử dụng có thay đổi về kích thước, nội dung, hình thức thì Tổng cục Hải quan phải có Thông báo phát hành mới thay thế Thông báo phát hành cũ.
Nội dung Thông báo phát hành phải thể hiện: Hình thức, nội dung, kích thước và đặc điểm từng mẫu tem.
Thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày Thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu mới được ban hành.
Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực.
Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sử dụng theo nhu cầu của các đơn vị đã đăng ký theo định kỳ hàng năm.
Căn cứ số lượng rượu nhập khẩu do người khai hải quan khai, cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm bán tem cho doanh nghiệp nhập khẩu và ghi rõ số lượng, số sêri tem thực sử dụng vào tờ khai Hải quan nhập khẩu rượu.
Công chức Hải quan làm nhiệm vụ bán tem, giám sát việc dán tem có trách nhiệm quyết toán tem rượu nhập khẩu với đơn vị cấp tem chậm nhất không quá hai (02) ngày làm việc kể từ ngày hàng hóa được thông quan.
Cơ quan Hải quan các cấp thực hiện việc cấp, bán tem rượu nhập khẩu phải mở sổ sách theo dõi chi tiết số tem tồn đầu kỳ, số tem nhận, số tem bán cho doanh nghiệp nhập khẩu, số tem mất, hỏng trong kỳ, số tem tần cuối kỳ và thực hiện báo cáo quý, 6 tháng, năm về tình hình sử dụng tem của đơn vị mình, gửi cơ quan Hải quan cấp trên theo quy định.
Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sử dụng theo nhu cầu của các đơn vị đã đăng ký theo định kỳ hàng năm.
Trường hợp không phải dán tem trên bao bì sản phẩm
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, các trường hợp sau không phải dán tem trên bao bì sản phẩm gồm:
- Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu.
- Rượu bán thành phẩm nhập khẩu (rượu bán thành phẩm là rượu chưa hoàn thiện dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu thành phẩm).
- Rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ.
Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định: Hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh rượu; Nhập khẩu rượu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế; Nhập khẩu rượu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, mua bán rượu giữa các khu phi thuế quan; hoạt động kinh doanh rượu tại khu phi thuế quan, hoạt động gửi kho ngoại quan; Rượu nhập khẩu là hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu trong, định mức được miễn thuế; xét miễn thuế, không chịu thuế.
Đối với tem được phát hành theo Thông tư số 160/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính còn tồn trước ngày 07/5/2020 thì được tiếp tục sử dụng tem đến khi hết.
Theo báo Thời Đại