Bước nhảy vọt trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Chile
Ngày 11 tháng 11 năm 2011 tại Hawai (Mỹ), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống nước Cộng hòa Chi Lê Sebastian Pinera, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê đã được ký kết.
Theo cam kết, Chi Lê sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê năm 2007) trong thời gian không quá 10 năm. Ngược lại, Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chi Lê năm 2007) trong vòng 15 năm.
Hiệp định được phê chuẩn và chính thức đi vào hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2014 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhảy vọt kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước. Năm 2015, hai năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chi Lê đạt 950,6 triệu USD, tăng 75,9% so với năm 2013 (đạt 540,4 triệu USD) và tăng 8,4% so với năm 2014 (đạt 876,6 triệu USD).
Bước khởi đầu trên con đường chinh phục thị trường
Trước đây, khi chưa có hiệp định thương mại tự do, hàng hoá của Viêt Nam phải chịu thuế nhập khẩu vào Chi Lê (trung bình là 6%) và hàng hóa của Chi Lê nhập khẩu vào Việt Nam còn phải chịu thuế suất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước chỉ đạt gần 500 triệu USD/năm và Việt Nam luôn luôn nhập siêu từ Chi Lê. Năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt 655,7 triệu USD, tăng 197,2% so với năm 2013 (đạt 220,6 triệu USD) và tăng 29,3% so với năm 2014 (đạt 507,3 triệu USD). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 294,9 triệu USD, giảm 7,8% so với năm 2013 (đạt 319,8 triệu USD) và giảm 20,2% so với năm 2014 (đạt 369,4 triệu USD).
Các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sang Chile chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng như: giày dép các loại; nguyên phụ liệu dệt may da giầy; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm dệt may; hàng thủy sản; sản phẩm từ sắt thép; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; xi măng; dây điện và dây cáp điện; sản phẩm từ sắn; gạo; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; sản phẩm từ chất dẻo; sản phẩm từ gỗ; linh kiện ô tô từ 9 chỗ trở xuống, v.v..
Về tỷ trọng các mặt hàng tận dụng được ưu đãi của Hiệp định, mặt hàng clanhke và xi măng đạt tỷ lệ sử dụng cao nhất (100%), tiếp theo là mặt hàng giày dép các loại (54%), gạo (37%) và hàng dệt may (19%). Một trong những nguyên nhân của việc sử dụng được ưu đãi cao là do quy tắc xuất xứ của Hiệp định tương đối đơn giản, đa số hàng hóa chỉ cần đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàm lượng giá trị khu vực không dưới 40% (RVC 40%) hoặc chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số (CTH) là đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Việt Nam nhập khẩu từ Chile chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng để làm dây và cáp điện, gỗ rừng trồng để sản xuất đồ gỗ, bột cá để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi tôm cá, bột giấy. Ngoài ra, ta cũng nhập khẩu một số sản phẩm khác như rượu vang, hoa quả tươi, thịt gia cầm. Các mặt hàng xuất khẩu của Chi Lê vào thị trường Việt Nam tăng trung bình 37%/năm trong vòng 5 năm qua. Riêng rượu vang của Chi Lê đã có thị phần lớn thứ hai tại thị trường Việt Nam (sau rượu vang Pháp).
Về cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu của Việt Nam và Chi Lê có ít những mặt hàng cạnh tranh nhau, chủ yếu có tính bổ sung cho nhau. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Chi Lê đã mang lại những cơ hội to lớn cho tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Các mặt hàng như giầy dép, quần áo, đồ gỗ, cà phê của Việt Nam cũng như cá hồi, nho, sê-ri, gỗ thông và bột giấy... của Chi Lê sẽ tiếp tục tăng kim ngạch do được giảm thuế nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn được kỳ vọng là cửa ngõ cho hàng hóa Chi Lê thâm nhập thị trường ASEAN và Chi Lê là cửa ngõ cho hàng Việt Nam vào Mỹ Latinh.
Việt Nam và Chi Lê đều là các thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với việc Hiệp định TPP đã được ký kết vào tháng 2 vừa qua và các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục nội bộ để phê chuẩn và đưa Hiệp định vào hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội lớn cạnh tranh tại thị trường Chi Lê nói riêng và các thị trường khác nói chung, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp hai Bên.