Hiện nay, trên nhiều phương tiện truyền thông và các bài trình bày chính thức (trừ của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam – VLA) tại các hội nghị, hội thảo khi nói về chi phí logistics của Việt Nam đều nêu “chi phí logistics của Việt Nam rất cao, chiếm khoảng 20,9% GDP”. Vậy có đúng là chi phí logistics Việt Nam “rất cao”? Và cao như thế nào?

Ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 200/QĐ-TTg năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành dịch vụ logistics một cách toàn diện. Một trong các mục tiêu cụ thể được đề ra trong Kế hoạch hành động là phấn đấu đến năm 2025: Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% – 20% GDP.

Chi phí Logistics tại Việt Nam - iltvn

Vậy, con số “20,9% GDP” được xuất phát từ đâu? Cho đến nay, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc thống kê các chi phí logistics. Ngoài báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 3/2014, về “Dịch vụ tư vấn: Hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải về Phát triển vận tải đa phương thức” do Công ty tư vấn ALG thực hiện, thì chưa có nghiên cứu hoặc báo cáo chính thức nào của các cơ quan quản lý ngành dịch vụ logistics Việt Nam cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí logistics. Theo báo cáo của WB, chi phí logistics quốc gia của Việt Nam tương ứng với các ngành sản xuất giá trị gia tăng của quốc gia là 413.141 tỷ đồng. Con số này đại diện cho 20,9% tổng sản phẩm quốc nội GDP (1.980.914 tỷ đồng trong năm 2010). Con số này nếu so sánh với chi phí logistics/GDP ở Mỹ, Nhật Bản hoặc các nước Tây Âu thì thật sự là ở mức cao. Tuy nhiên, nếu so với các nước đang phát triển, những thị trường mới nổi có GDP tương đồng với Việt Nam thì con số này không phải là quá cao. Dựa vào cách tính của ALG, Hiệp hội VLA đã tính chi phí logistics của Việt Nam năm 2017 ở mức 14,5% – 19,2% GDP, trung bình hiện nay là 16% – 17%. Trong khi, chi phí logistics/GDP năm 2016 của Singapore 8,5%, Indonesia 24%, Thái Lan 15%, Malaysia 13%, Philipines 13% (Tham khảo trang 59, Sách trắng VLA 2018).

ALG đã dùng phương pháp tính chi phí logistics cụ thể cho 12 chuỗi ngành hàng, gồm: Hàng điện tử và linh kiện, thiết bị điện, dệt may, công nghiệp ô tô, dược phẩm, rau quả, giày dép, hải sản, gạo, cà phê, đồ uống và nội thất. Sau đó, nội suy ước tính và rút ra kết luận chi phí logistics quốc gia của Việt Nam tương ứng với tất cả các ngành sản xuất giá trị gia tăng trong nước. Chi phí logistics tính bình quân (mỗi mặt hàng chi tiết có khác nhau) bao gồm: Chi phí vận tải 60%, trong đó, vận tải (transport) 59% và cảng phí (port charge)1%; Chi phí tồn kho (inventory costs) và chi phí quản lý (administration costs) 40%, trong đó: lưu kho bãi (Storage) 11%, xếp dỡ hàng hóa (Handling) 21%, đóng gói (Packing 8%). Cách tính này phù hợp với cách tính chi phí logistics của nhiều nước như: Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Thái Lan…

Báo cáo của ALG cũng đưa ra con số cụ thể về chi phí logistics chiếm trong giá thành sản phẩm: Hàng điện tử và linh kiện 1,2%; Thiết bị điện 3,5%; Dệt may 9,3%; Ô tô: 2%; Dược phẩm 0,3%; Rau quả: 29,5%; Giày dép 11,7%; Hải sản 12,2%; Gạo 29,8%; Cà phê 9,5%; Đồ uống 19,8%; Nội thất 22,8%. Chi phí logistics tính cho 12 ngành hàng được khảo sát trực tiếp là 10,85%, nếu không tính 2 ngành Dược phẩm và Đồ uống 10,70%.

Chi phí Logistics tại Việt Nam - iltvn

Tỷ lệ % của chi phí logistics tương đương với GDP phụ thuộc vào tổng chi phí logistics và tổng GDP. Năm 2018, GDP của Việt Nam là 5.535,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần quy mô GDP 2011. Như vậy so sánh GDP của nước ta năm 2010 mà Công ty tư vấn ALG tính GDP (1.980,9 nghìn tỷ đồng) thì thấy GDP của 2018 gấp hơn 2 lần.

Hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi lớn. Hàng điện tử và linh kiện xuất khẩu tăng nhanh. Trong năm 2018, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý, trong đó 9 mặt hàng đạt 5 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD. Đó là điện thoại và linh kiện 50 tỷ USD; Dệt may 30,4 tỷ USD (2010 là 11,2 tỷ USD); Điện tử, máy tính và linh kiện 29,4 tỷ USD (2010 là 3,6 tỷ USD); Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD (2010 là 3 tỷ USD); Giày dép 16,3 tỷ USD; Thủy sản 8,8 tỷ USD (2010 là 4,9 tỷ USD); Rau quả 3,8 tỷ USD; Cà phê đạt 3,5 tỷ USD. Điều đó cho thấy chi phí logistics có sự thay đổi lớn.

So sánh chi phí logistics cho 10 trong tổng số 12 ngành hàng được nghiên cứu theo báo cáo của ALG vào 2010 và cập nhật số liệu của 2018 có thể thấy khi cơ cấu ngành thay đổi thì chi phí logistics cũng thay đổi theo, cụ thể chi phí logistics giảm từ 10,70% xuống còn 8,74% cho 10 ngành hàng.

Năm 2018, Chỉ số Năng lực quốc gia về logistics – LPI của Việt Nam là 39/160, có bước tiến vượt bậc so với 2010 là 53/160. Đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Điều này cho thấy chi phí logistics của Việt Nam đã được cải thiện nhiều. Chi phí logistics tương đương với GDP của Việt Nam năm 2017 ở mức 14% – 19,2%. Con số trung bình hiện nay là khoảng 16% – 17% do Hiệp hội VLA đã tính toán và công bố trong Sách Trắng – VLA 2018 là rất đáng tin cậy.

Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông có giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics. Đã đến thời điểm, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cần công bố chính thức về chi phí logistics của Việt Nam hàng năm, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và phát triển ngành dịch vụ logistics – một ngành mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế và đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa của đất nước; để mọi người hiểu đúng, nói đúng và viết đúng về chi phí logistics của Việt Nam.

VLR