Góc nhìn ngành Logistics thời đại hiện nay: Công nghệ là yếu tố then chốt
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào hệ thống logistics không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong việc quản lý mà còn góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng. Đặc biệt với những DN vừa và nhỏ, việc ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra bước đột phá, hình thành lợi thế cạnh tranh vượt bậc cho DN.
Công nghệ là yếu tố then chốt
Từ ưu tiên...
Từ góc độ của DN, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – khẳng định, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và được xem như “huyết mạch” kết nối các thành phần của toàn bộ chuỗi dịch vụ logistics. Trước xu thế tất yếu của thị trường, tổng công ty đã và đang ưu tiên đầu tư vào công nghệ thông tin như: Hệ thống công nghệ hỗ trợ khách hàng theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa (E-Tracking/Tracing); hệ thống kết nối toàn diện công nghệ thông tin quản lý khai thác hàng container giữa các DN dịch vụ hàng hải với các DN khối cảng biển và khối vận tải biển; các giải pháp hỗ trợ thanh toán online, hóa đơn điện tử…
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) – cho biết, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển góp phần làm tăng sức giải phóng hàng hóa nhằm giảm giá thành dịch vụ.
Cũng nằm ở Hải Phòng, Cảng Tân Vũ là một trong những cảng đầu tiên của Việt Nam đưa vào vận hành hệ thống định vị toàn cầu vi sai (DGPS) để quản lý vị trí container trên bãi. Đồng thời, từ tháng 8/2017, Cảng Tân Vũ đã đưa vào sử dụng 2 cần cẩu giàn QC có tầm với 14 hàng container.
...Đến tiếp sức
Mặc dù quan trọng, nhưng số DN logistics trong nước quan tâm, đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động còn thấp. Trước tình hình đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị, trong thời gian tới cần xây dựng các chương trình cụ thể nhằm nâng cao năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng công nghệ với các chỉ tiêu xác định về năng suất, tốc độ, độ chính xác, chất lượng và mức dịch vụ… Đồng thời, dùng nguồn quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để tài trợ cho các chương trình này.
Bên cạnh đó, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ để xây dựng năng lực thiết kế, tích hợp hệ thống, lắp đặt và bảo trì các hệ thống tự động hóa ứng dụng trong quản lý vận tải, kho hàng, trung tâm phân phối…; hỗ trợ vốn hay các điều kiện làm việc ban đầu cho các startup về giải pháp nền tảng điện tử logistics; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp có sẵn do các đối tác quốc tế/khu vực đã phát triển để tận dụng nguồn lực công nghệ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của DN”. Mục tiêu: Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức; ứng dụng các công nghệ vận tải tiên tiến để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Báo Công thương