Tổng cục Hải quan đang tích cực triển khai Điều 41 Luật Hải quan bằng việc hoàn thiện Quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa Xuất khẩu, Nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại cảng biển để triển khai tại một số chi cục hải quan cảng biển lớn.

Hiệu quả ba bên

Việc phối hợp giám sát với DN kinh doanh cảng đã được Tổng cục Hải quan triển khai thí điểm từ cuối năm 2015. Cục Hải quan Hải Phòng là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm quy trình giám sát hải quan tại Cảng Nam Hải Đình Vũ và Cảng Xanh VIP. Kết quả sau một thời gian thực hiện hệ thống trao đổi thông tin về hàng hóa XNK tại hai cảng trên đã thể hiện rõ tính ưu việt trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian đi lại của DN, giảm thời gian thông quan hàng hóa tại khu vực giám sát hải quan. Từ kết quả triển khai ban đầu, Cục Hải quan Hải Phòng đang đề nghị Tổng cục Hải quan cho thực hiện kết nối hệ thống công nghệ thông tin, phối hợp giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu với 5 doanh nghiệp kinh doanh cảng trên địa bàn Hải Phòng.

Theo đánh giá của Cục Giám sát quản lý về hải quan, việc kết nối hệ thống CNTT giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng nhằm thực hiện đúng quy định của Luật Hải quan 2014 về quy định trách nhiệm của DN kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan. Điều 41 được xem là một bước đột phá trong thay đổi phương thức giám sát hải quan theo hướng tạo thuận lợi cho cộng đồng DN và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, thông qua huy động được nguồn lực, cũng như đề cao tinh thần trách nhiệm của DN kinh doanh cảng, kho, bãi trong phối hợp giám sát hàng hóa Xuất nhập khẩu.

Quy trình này giúp cơ quan Hải quan kịp thời nắm bắt thời điểm lô hàng hay container ra vào cảng, số lượng hàng, container tồn trong cảng đối với từng con tàu, những lô hàng quá hạn làm thủ tục hải quan hay vị trí cụ thể của từng container… từ đó đưa ra quyết định phù hợp. Công tác quản lý rủi ro, kiểm soát chống buôn lậu, giám sát hải quan được thực hiện hiệu quả hơn do có đầy đủ thông tin về vị trí container hạ bãi, số chuyến và tên tàu, đồng thời giúp tăng cường tính tuân thủ của hoạt động Xuất nhập khẩu…

logistics đông dương làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp

Hoạt động Xuất nhập khẩu tại cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng

Với DN Xuất nhập khẩu việc kết nối, trao đổi dữ liệu tờ khai, lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan giữa DN kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan đã giúp giảm thời gian làm thủ tục hải quan. Đối với hàng hóa Xuất nhập khẩu không phải niêm phong hải quan và đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan không phải cung cấp thông tin số tờ khai hải quan, danh sách container hoặc danh sách hàng hóa cho DN kinh doanh cảng, kho, bãi. Theo đó, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, người khai hải quan hoặc người vận chuyển chỉ cần thông báo danh sách container hoặc danh sách hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan cho DN kinh doanh cảng và làm thủ tục trực tiếp với DN kinh doanh cảng để xếp hàng lên phương tiện vận tải Xuất khẩu hoặc đưa hàng ra khu vực giám sát hải quan đối với hàng Nhập khẩu. Với hàng hóa Xuất nhập khẩu phải niêm phong hải quan và đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, sau khi cơ quan Hải quan xác nhận tình trạng niêm phong hải quan, người khai hải quan cũng thực hiện thủ tục đưa hàng qua khu vực giám sát như trên. Như vậy, đối với hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan không phải thực hiện các thủ tục tại văn phòng giám sát như trước đây và không phải xuất trình các chứng từ không cần thiết khi đã áp dụng hệ thống CNTT (nếu phải xuất trình thì trung bình mất một khoảng thời gian để xác nhận là 5 phút/tờ khai) nên đã giảm được thủ tục hành chính, đồng thời giảm chi phí phát sinh cho DN Xuất nhập khẩu.

Bản thân “đối tác” của cơ quan Hải quan là DN kinh doanh cảng cũng nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Chủ động trong việc thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, cung cấp thông tin, số liệu hàng hóa đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi theo quy định của pháp luật và xuất trình, cung cấp cho cơ quan Hải quan khi có yêu cầu…

Cần hoàn thiện cơ chế phối hợp

Với những hiệu quả đạt được ban đầu, khi quy trình này chính thức triển khai áp dụng tại các cảng biển lớn sẽ góp phần làm giảm thời gian thông quan, tăng lưu lượng hàng hóa Xuất nhập khẩu. Kế hoạch này của Tổng cục Hải quan đã nhận được sự đồng thuận của nhiều DN. Song để cụ thể hóa được các mục tiêu trên cơ quan Hải quan phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, bản thân các DN cũng cần tích cực hoàn thiện hệ thống CNTT kết nối với cơ quan Hải quan. Tại một cuộc họp mới đây giữa Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. HCM và đại diện các DN kinh doanh cảng, các DN kinh doanh cảng đề nghị, để thực hiện được quy định tại Điều 41 Luật Hải quan, cơ quan Hải quan cần hướng dẫn DN về yêu cầu đáp ứng trang thiết bị, hệ thống kết nối giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp về tờ khai, hàng hóa; tập huấn cho cán bộ cảng về trình tự, thủ tục.

Vấn đề mà các DN lo lắng là cần thống nhất cách thức, phương án xử lý khi hệ thống gặp sự cố, đặc biệt với trường hợp sai số container (thực tế trường hợp này xảy ra nhiều do số container là dãy số dài-PV), Chi cục Hải quan cần phối hợp để liên thông xử lý. Đồng thời đối với quy định việc bấm seal cũng cần hướng dẫn cụ thể nếu bấm seal với cả lô hàng có số lượng lớn thì cũng là vấn đề khó khăn.

Một vấn đề DN đề nghị cần sớm giải quyết đó là xử lý hàng tồn đọng, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cảng. Tại Khoản 5 Điều 41 quy định trách nhiệm của DN kinh doanh cảng là bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, do việc phải để nguyên trạng hàng hóa không được di chuyển nên đối với những hàng tồn thì mất nhiều diện tích. Do đó, theo các DN, cơ quan Hải quan cần đẩy nhanh thời gian xử lý hàng tồn đọng và nghiên cứu xem xét giải pháp cho phép cảng đưa hàng tồn đọng về nơi khác.

Ngọc Linh / Báo Hải Quan