Lúa gạo “khó” kép
Không chỉ gặp khó trong việc đáp ứng các tiêu chí theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh Xuất khẩu gạo mà các DN sản xuất, kinh doanh Xuất khẩu gạo còn đang gặp phải vướng mắc trong việc tiếp cận vốn để đầu tư vào nông nghiệp.
Khó vay vốn
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 109, theo đánh giá của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc quy định các điều kiện kinh doanh Xuất khẩu gạo đã phát huy tác dụng tích cực; đã sàng lọc được những thương nhân có năng lực, có định hướng đầu tư lâu dài phục vụ lĩnh vực kinh doanh Xuất khẩu gạo... Mặt khác, thương nhân kinh doanh Xuất khẩu gạo cũng góp phần tích cực tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, góp phần bảo đảm ổn định thị trường lúa gạo trong nước.
Tuy vậy, quá trình thực thi Nghị định 109 đã tạo ra không ít bất cập như: Nhiều thương nhân tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Xuất khẩu gạo, có thể dẫn tới một cuộc “chạy đua” đầu tư gây lãng phí cho đầu tư xã hội, số lượng thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận ngày càng tăng...
Ngoài những bật cập trên, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) còn nêu lên một số vấn đề đáng chú ý khác. Những vấn đề này được ông Bảnh ghi nhận sau chuyến công tác tại một số tỉnh có nhiều DN tham gia kinh doanh, Xuất khẩu gạo.
Theo Nghị định 109, DN muốn kinh doanh Xuất khẩu gạo phải đảm bảo ít nhất 2 điều kiện cần là có ít nhất một kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa Xuất khẩu hoặc có cảng biển Xuất khẩu thóc, gạo. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Bảnh cho rằng, hầu hết các DN trong lĩnh vực lúa gạo đều là DN nhỏ và vừa, rất ít DN lớn. Nếu muốn “ứng dụng” được Nghị định 109 thì DN phải có nguồn vốn lớn để đầu tư vùng nguyên liệu, đầu tư vào kho tàng chứa, nhà máy xay xát…
Chưa kể đến, việc đầu tư cho nông dân từ vấn đề gieo sạ cũng cần lượng tiền mặt lớn để trả cho nông dân. Điều đáng nói, muốn vay vốn đầu tư cho nông nghiệp là điều không hề dễ dàng. Đa số các DN đều kêu “vướng”, thậm chí còn nói rằng chưa bao giờ nhờ cậy gì từ Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. “Trong buổi họp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã thẳng thắn nói về bất cập của Nghị định 210 và cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa lâu quá”, ông Bảnh thông tin.
DN đặc thù cũng “vướng”
Không chỉ có các DN chuyên kinh doanh, Xuất khẩu lúa gạo “vướng” với Nghị định 109 mà ngay cả những DN đặc thù như Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau)- DN sản xuất mặt hàng gạo hữu cơ, chất lượng cao cũng không thể “qua ải” theo quy định của Nghị định 109. Hiện nay, gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú đã được nhiều thị trường lớn như EU, Canada, Bắc Mỹ mua với giá 350 USD/tấn. Tuy nhiên, do sản xuất mặt hàng gạo đặc thù nên DN này chỉ xuất khẩu được vài tấn hoặc 1 container chứ không thể đáp ứng yêu cầu XK tối thiểu 10.000 tấn/năm như Bộ Công Thương đề ra.
Để giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh, Bộ Công Thương đã có trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho phép Viễn Phú được Xuất khẩu gạo theo cơ chế đặc thù trong các năm 2014, 2015. Thế nhưng ông Bảnh cho rằng, dù vướng mắc về điều kiện kinh doanh Xuất khẩu gạo của Công ty Viễn Phú đã được giải quyết song công ty này lại đang vướng vào vòng luẩn quẩn là không có tiền đầu tư mở rộng quy mô để đáp ứng theo đúng tiêu chí Xuất khẩu nhiều hơn. Điều đó có nghĩa rằng, DN vừa được tháo gỡ vướng mắc vì Nghị định 109 thì lại rơi vào khó khăn tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 210.
Cũng theo ông Bảnh, ngay cả những DN lớn như Tập đoàn Lộc Trời do ông Huỳnh Văn Thòn làm Chủ tịch HĐQT có nguồn vốn tương đối lớn và có cả đội quân hơn 1.000 người đi địa phương hiện giờ cũng đang bí tiền, không có tiền để đầu tư.
Sửa ra sao?
Với những phân tích trên, có thể thấy rằng, những quy định của Nghị định 109 đang “bó chân” DN trong khi việc tiếp cận nguồn vốn không dễ dàng càng khiến cho DN kinh doanh lúa gạo gặp khó khăn. Do vậy, ông Bảnh cho rằng, các điều kiện trong Nghị định 109 vướng ở đâu cần sửa ở đó nhưng điều cần làm ngay lúc này là sửa đổi Nghị định 210 để DN có thể tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu của Nghị định 109. Được biết, Bộ NN&PTNT trực tiếp là Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến để đề xuất hướng sửa đổi Nghị định 210.
Phía Bộ Công Thương cũng đã nhận thấy những bất cập nhưng hướng sửa như thế nào vẫn chưa được Bộ này tiết lộ. Ông Đỗ Thắng Hải chỉ cho biết: “Về vấn đề cơ chế, chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai thực hiện Nghị định 109 và các văn bản hướng dẫn thi hành để ghi nhận những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu công tác điều hành hoạt động kinh doanh Xuất khẩu gạo trong thời gian tới”.
Về phía các chuyên gia cho rằng, cần phải sửa đổi Nghị định 109 theo hướng cạnh tranh bình đẳng. Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã từng đưa ra đề xuất, cần nới lỏng điều kiện trở thành Doanh nghiệp Xuất khẩu gạo được quy định trong Nghị định 109 về kinh doanh XK gạo, thông qua việc bãi bỏ hạn ngạch số lượng DN tham gia Xuất khẩu gạo. Ngoài ra, theo ông Thành, cần “mở cửa” cho phép DN liên kết với nông dân sản xuất các loại gạo đặc sản được Xuất khẩu những loại gạo có chất lượng cao, không nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện trong Nghị định 109. Cũng cần bãi bỏ yêu cầu phải đạt lượng Xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn/năm đối với DN Xuất khẩu gạo.
Xuất phát từ thực tiễn cùng với những đề xuất của các chuyên gia, có lẽ, phía cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh lúa gạo
Phan Thu / Báo Hải Quan
Thông tin liên quan: