Những điểm mới trong Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực từ ngày 5/6
Nhiều quy định liên quan đến thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp; cũng như thời hạn nộp thuế và bảo lãnh thuế; việc thu, nộp phí, lệ phí hải quan đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC thay thế Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Phù hợp với Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu
Theo đó, liên quan đến vấn đề thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, mặc dù Thông tư 38 hiện hành đã quy định về căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế, thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế, thu nộp, hoàn trả đối với thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Tuy nhiên, tại Luật Thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu quy định thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp là thuế Nhập khẩu bổ sung; đồng thời quy định việc áp dụng các khoản thuế trên thực hiện theo quyết định của Bộ Công Thương. Do đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC đã bãi bỏ, cũng như sửa đổi một số quy định để phù hợp với Luật Thuế Xuất Nhập khẩu như: Bỏ Khoản 1 Điều 39 Thông tư 38/2015/TT-BTC (về thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cập); Tại “căn cứ tính thuế” quy định cụ thể mức thuế từng mặt hàng theo quy định của Bộ Công Thương; tại phương pháp tính thuế theo tỉ lệ phần trăm sửa chỉ tiêu trị giá tính thuế cho phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 37 Thông tư 38/2015/TT-BTC; bổ sung phương pháp tính thuế đối với trường hợp tính theo mức thuế tuyệt đối phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; bỏ thời hạn nộp thuế do đã quy định tại Điều 9 Luật Thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC bổ sung quy định về trị giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT phải cộng thêm thuế Nhập khẩu bổ sung, do tại Điều 4 Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu quy định thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp là thuế Nhập khẩu bổ sung. Đồng thời, Thông tư mới cũng bổ sung quy định số tiền thuế Nhập khẩu bổ sung theo Quyết định áp dụng tạm thời của Bộ Công Thương thì nộp vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan, nhằm thuận lợi cho việc hoàn trả tiền thuế nộp thừa trong trường hợp số tiền thuế Nhập khẩu bổ sung theo quyết định áp dụng chính thức thấp hơn số tiền thuế đã nộp; sau khi đã có quyết định áp dụng chính thức thì cơ quan Hải quan chuyển nộp NSNN.
Về thời hạn nộp thuế và bảo lãnh thuế cũng được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định nhằm phù hợp với Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu và các văn bản dưới Luật. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 38 sửa đổi bãi bỏ Khoản 1, 2, 3, 6, 9 Điều 42 do không còn phù hợp thời hạn nộp thuế thực hiện theo Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu; về thời hạn nộp thuế với các trường hợp đặc thù quy định tại khoản 4, 5, 7, 8 Điều 42 giữ nguyên quy định hiện hành.
Khoản 2, 3 Điều 43 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 24 Điều 1 Thông tư 38 sửa đổi, trong đó, Khoản 2 bỏ điều kiện bảo lãnh thay bằng các tiêu chí tại thư bảo lãnh (các tiêu chí này thay thế cho mẫu thư bảo lãnh),nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh. Khoản 3 sửa đổi về kiểm tra, theo dõi, xử lý bảo lãnh thuế của cơ quan Hải quan (được áp dụng chung cho bảo lãnh riêng và bảo lãnh chung).
Khoản 1, 4, 5 Điều 43 Thông tư 38/2015/TT-BTC được bãi bỏ do các nội dung quy định tại các khoản này đã được quy định chi tiết tại Điều 4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP và được sửa đổi tại Khoản 2, 3 nêu trên.
Cụ thể quy định về ấn định thuế
Về ấn định thuế, tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC cũng có nhiều điểm mới nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan Hải quan thực hiện ấn định thuế trong các trường hợp sau khi hàng hóa đã được thông quan để người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng nhưng không tự giác khai báo với cơ quan Hải quan; đồng thời đảm bảo xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tế, đặc biệt là trong công tác kiểm tra sau thông quan đối với mọi trường hợp phát sinh.
Cụ thể, nội dung này được sửa đổi theo hướng quy định rõ cách thức xác định số tiền thuế phải nộp đối với các trường hợp trên tờ khai Xuất khẩu hoặc Nhập khẩu lần đầu đã xác định được số tiền thuế. Trường hợp trên các tờ khai lần đầu đã xác định được số tiền thuế thì số tiền thuế ấn định là số tiền thuế trung bình được xác định bằng cách lấy tổng số tiền các tờ khai nhân với tổng số hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng. Thời hạn nộp tiền thuế ấn định và tính tiền chậm nộp tính theo thời hạn nộp thuế của tờ khai Xuất khẩu hoặc Nhập khẩu cuối cùng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chậm nộp với số tiền nhỏ nhất. Quy định rõ cách thức xác định số tiền thuế phải nộp đối với trường hợp tờ khai lần đầu không có số liệu về số tiền thuế hoặc không xác định được căn cứ tính thuế. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn phải gửi quyết định ấn định thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 08 giờ làn việc.
Trường hợp tờ khai lần đầu không có số liệu về số tiền thuế hoặc không xác định được căn cứ tính thuế, cơ quan Hải quan ấn định thuế dựa trên số lượng, chủng loại, trị giá tính thuế, mức thuế, tỷ giá tính thuế, phương pháp tính thuế tại thời điểm ban hành quyết định ấn định thuế. Thời hạn nộp tiền thuế ấn định thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 42 Thông tư 38 sửa đổi.
Ngoài các nội dung trên, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC còn sửa đổi các quy định về thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế; xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được hoàn; hoàn thành nghĩa vụ thuế…
Xem chi tiết tại đây.