Tăng nhập gỗ từ Australia để đáp ứng TPP
Để có thể đáp ứng những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ gỗ và gỗ hợp pháp khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), từng bước chuyển dịch thị trường nhập khẩu gỗ là điều rất cần thiết.
Nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), Bộ NN&PTNT cho thấy: Hiện nay, trong các nước TPP, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản với hai loại sản phẩm chính là đồ gỗ nội thất và đồ gỗ ngoại thất. Mức thuế suất của hai nhóm sản phẩm này tại các thị trường lớn đều đã bằng 0%. Vì vậy, tác động từ việc giảm thuế suất nhập khẩu theo cam kết của TPP không có ý nghĩa nhiều với các sản phẩm gỗ này.
Về mặt nhập khẩu, trong khối TPP, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ và Malaysia và một lượng nhỏ từ Australia. Hiện nay, do các mức thuế suất nhập khẩu của Việt Nam đối với các sản phẩm này cũng đã bằng 0% nên tác động từ cam kết TPP sẽ không làm giảm chi phí gỗ nguyên liệu này.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Ipsard phân tích: Khi vào TPP, các doanh nghiệp Việt Nam để được hưởng các ưu đãi về thuế suất của khối TPP, các sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo hai tiêu chí chính. Thứ nhất, 55% lượng gỗ nguyên liệu phải có xuất xứ từ trong khối TPP. Thứ hai, các sản phẩm gỗ phải đảm bảo tính hợp pháp từ đất đai, khai thác gỗ, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu, tài chính, an sinh xã hội (lao động).
Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường Đông Nam Á (Lào, Myanmar, Malaysia, Campuchia...), Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó, Lào là nước Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiều nhất với tỷ trọng 28,9% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Tỷ trọng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia thuộc khối TPP năm 2014 chỉ chiếm 26,9% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam. Đây là thách thức của Việt Nam khi không đảm bảo được yêu cầu 55% lượng gỗ nguyên liệu có xuất xứ trong khối TPP.
Theo ông Tuấn, thực tế gỗ nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đều rất khó khăn trong việc chứng minh gỗ hợp pháp. Do vậy, định hướng trong thời gian tới, Việt Nam cần chuyển dịch nhập khẩu gỗ từ Australia, New Zealand, hạn chế nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Myanmar... để đảm bảo yêu cầu gỗ hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ.
Riêng đối với thị trường gỗ nguyên liệu Malaysia, tiềm năng mở rộng nhập khẩu là không lớn do nguồn nguyên liệu gỗ của nước này ngày càng cạn kiệt. Chính phủ Malaysia đã và đang có những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu để đảm bảo đầu vào cho sản xuất trong nước.
Ước trị giá xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1 ước đạt 489 triệu USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm 2015, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015, chiếm 67,6% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hoa Kỳ (18,1% ), Trung Quốc (10%), Đức (10,8%)... |
Thanh Nguyễn / Báo Hải Quan