Tháo gỡ bất cập trong kinh doanh và quản lý hoạt động vận tải
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định 86, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: "Sau khi Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực thi hành, các Sở GTVT đã triển khai thực hiện, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đảm bảo các điều kiện, lập hồ sơ để thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải (GPKD) vận tải bằng xe ô tô. Các đơn vị kinh doanh vận tải về cơ bản đã đi vào hoạt động có nề nếp, ổn định, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu giao lưu vận chuyển hàng hóa, hành khách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương".
Theo bà Phan Thị Thu Hiền về hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định đã được đầu tư phát triển theo đó mạng lưới vận tải hành khách được mở rộng nhanh chóng. Trong đó mạng lưới tuyến liên tỉnh hiện có 3910 tuyến và quy hoạch mới, đến năm 2020 là 725 tuyến. Mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh cũng đã có sự điều chỉnh phù hợp và được thay thế bằng các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để kịp thời đổi mới, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bên cạnh các tuyến cố định, hình thức vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch cũng phát triển để đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân. Theo thống kê hiện nay cả nước có trên 7.000 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp GPKD vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với số lượng phương tiện khoảng trên 35.000 xe.
Cả nước có khoảng 600 doanh nghiệp, hợp tác xe với gần 52.000 xe taxi đang hoạt động. Hầu hết các địa phương đã có tuyến xe buýt hoạt động từ trung tâm thành phố đi đến các trung tâm kinh tế xã hội của các huyện, thị trấn. Mạng lưới xe buýt đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc thực hiện Nghị định 86 góp phần tăng cường quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, kiểm soát tải trọng phương tiện, hóp phần giảm tai nạn giao thông đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải…
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 86.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Nghị định 86 vẫn còn một số khó khăn vướng mắc nhất định.
Trước hết là quy định người điều hành. Theo quy định thì đơn vị kinh doanh vận tải khi tham gia kinh doanh vận tải ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định còn phải đáp ứng các yêu cầu về người điều hành vận tải mới được cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Thực tế cho thấy, đa số các hộ kinh doanh vận tải có số phương tiện nhỏ hơn 3 xe là phổ biến, đồng thời các chủ hộ kinh doanh vận tải này là lái xe vì vậy nếu theo quy định trên thì vẫn phải yêu cầu có người điều hành vận tải mới được cấp phép. Theo quy định thì cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép đồng thời phê duyệt phương án kinh doanh kèm theo. Tuy nhiên quy định này đã gây khó khăn cho cơ quan cấp phép cũng như đơn vị kinh doanh vận tải. Trong thực tế việc thay đổi phương án kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện thường xuyên, liên tục tùy thuộc vào điều kiện hoạt động và hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị. Nếu mỗi lần thay đổi phương án kinh doanh đều phải đợi cơ quan cấp phép phê duyệt xong mới được hoạt động sẽ làm chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị…
Cũng theo bà Hiền thì điều kiện kinh doanh vận tải của xe hợp đồng các quy định về quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng còn chưa chặt chẽ, chưa đề ra được các biện pháp hữu hiệu để có thể thật sự quản lý được các hoạt động của loại hình này, còn nhiều đối tượng xe dù lợi dụng danh nghĩa xe chạy hợp đồng để đón trả khách trái quy định cạnh tranh không lành mạnh với những loại hình vận tải khác. Hoạt động vận tải hành khách bằng taxi để phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn trong giai đoạn hiện nay đối với vận tải chuyển hành khách bằng taxi, qua rà soát đánh giá thực hiện Nghị định 86 trong thời gian qua bộ GTVT và nhiều Bộ, ngành có liên quan đều thống nhất đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung để nâng cao chất lượng hoạt động vận tải bằng taxi, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa taxi truyền thống và Grap taxi, Uber… góp phần giảm giá cước vận tải, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông vận tải hành khách công cộng tại các đô thị.
Góp ý cụ thể các bất cập tại Nghị định 86, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình cho biết, tại Điều 13 của Nghị định 86 quy định: "Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, con, vợ, chồng của chủ hộ kinh doanh)".
Quy định này chưa hợp lý vì đối với các hợp tác xã vận tải, các chủ xe tham gia hợp tác xã thường trực tiếp lái xe, phục vụ hoặc để người thân trong gia đình lái, phục vụ. Mặc khác, cũng các xã viên ấy bầu lên chủ nhiệm hợp tác xã, do vậy chủ nhiệm hợp tác xã không thể ký hợp đồng lao động với lái xe, phụ xe, tức là xã viên được. Trường hợp thuê lái xe thì cũng là do từng chủ xe ký hợp đồng lao động, bởi chính chủ xe sẽ trả lương và theo dõi lái xe làm việc.
Ngoài ra, nhiều ý kiến góp ý quy định về "người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ cao đẳng và thời gian công tác 3 năm trở lên…" gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp vừa được thành lập thì người điều hành vận tải không thể nào làm việc liên tục 3 năm trở lên được, thời gian tới cần phải xem xét sửa đổi về điều kiện kinh doanh vận tải của xe hợp đồng. Các quy định về quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng còn chưa chặt chẽ, chưa đề ra được các biện pháp hữu hiệu để có thể thật sự quản lý được các hoạt động của loại hình này, còn nhiều đối tượng xe dù lợi dụng danh nghĩa xe chạy hợp đồng để đón trả khách trái quy định cạnh tranh không lành mạnh với những loại hình vận tải khác. Cách tính niên hạn xe taxi cần được hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động. Về quy định taxi phải có thêm thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, nên xem xét lại để góp phần giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác định rõ xe hợp đồng không được đón, trả khách tại một điểm trong thời gian dài. Xe hợp đồng chạy đến đâu phải có địa chỉ cụ thể ở điểm đầu và điểm cuối. Nên quy định các điểm đón, trả khách, xác định tuyến cố định nhằm chấm dứt vấn nạn xe dù, bến cóc.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp để xem xét sửa đổi những bất cập tại Nghị định 86.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý vận tải để có thể cập nhật và báo cáo tự động, từ đó có thể kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Đây là một trong các giải pháp để tăng cường quản lý hoạt động vận tải của xe hợp đồng là một trong những hình thức kinh doanh vận tải hành khách mà dư luận xã hội cũng như Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải quản lý chặt chẽ trong thời gian sắp tới.
Nguồn: duongbo.vn