Thay đổi phương pháp quản lý giá, mã hàng hóa xuất nhập khẩu
Việc phòng ngừa và chống thất thu thuế qua mã số và trị giá trong hoạt động Xuất nhập khẩu trở thành một yếu tố quan trọng, đảm bảo chống thất thu cho ngân sách Nhà nước và tạo điều kiện lành mạnh hoá môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa… Vì vậy, thay đổi phương pháp trong công tác quản lý giá, mã hàng hóa Xuất nhập khẩu là nhiệm vụ quan trọng mà ngành Hải quan đã và đang triển khai.
Hoàn thiện hệ thống văn bản
Theo báo cáo của Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), năm 2015, đơn vị đã tiếp nhận và trả lời 2.648 hồ sơ phân tích- tương ứng 4.963 mẫu), đảm bảo chất lượng đề xuất theo đúng quy định, góp phần nâng cao tính thống nhất trong công tác phân loại hàng hoá, xác định mã số và áp dụng mức thuế đối với hàng hóa Xuất nhập khẩu.
Có thể thấy, việc nâng cao hiệu quả công tác xác định trị giá tính thuế hàng hóa Xuất nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan tập trung triển khai, bắt đầu từ Thông tư 29/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa Xuất nhập khẩu. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan Hải quan và DN đồng thuận về trị giá tính thuế. Và nay là Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25-3-2015 của Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan. Việc hoàn thiện văn bản pháp lý đó nhằm tăng cường sự quản lý của Hải quan, nâng cao tính tự tuân thủ của DN, chống thất thu thuế.
Cùng với việc hoàn thiện các quy định về trị giá hải quan, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ giá cũng như cơ chế bảo đảm thực hiện là điều hết sức cần thiết, để đối phó với hàng Nhập khẩu khi được khai báo với trị giá quá thấp.
Tổng cục Hải quan cũng đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính rà soát, chuẩn bị nội dung và trực tiếp tham gia 4 phiên đàm phán (phiên 5,6,7,8) Danh mục AHTN tổ chức tại một số nước ASEAN. Tiếp tục rà soát hoàn thiện Danh mục AHTN làm cơ sở triển khai xây dựng Danh mục hàng hóa Xuất nhập khẩu 2017 và Biểu thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu áp dụng từ năm 2017. Rà soát, dịch Chú giải bổ sung (SEN) của Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) 2012, Biên dịch, hiệu chỉnh Chú giải chi tiết HS 2012 và Tuyển tập ý kiến phân loại của WCO .
Tổng cục Hải quan cũng tham gia xây dựng Thông tư về biểu thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu thay thế Biểu thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu ban hành theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC để áp dụng từ 1-1-2016 (với trên 10 nghìn dòng thuế). Kịp thời đề xuất hàng trăm văn bản giải quyết các vướng mắc, khiếu nại của Hải quan địa phương, DN; tham mưu đề xuất các tồn tại phức tạp về công tác phân loại hàng hóa, mã số, áp dụng mức thuế theo đúng quy định.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Cục Thuế Xuất nhập khẩu xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là xây dựng, sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa Xuất khẩu, Nhập khẩu rủi ro về trị giá; Tăng cường theo dõi, quản lý giá, rà soát dữ liệu, chỉ đạo trên Hệ thống GTT02 tại các đơn vị Hải quan địa phương; Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc phân loại hàng hoá trong toàn ngành; Tổ chức triển khai việc tiếp nhận và thực hiện xây dựng Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ Vụ Chính sách thuế, xây dựng Danh mục hàng hóa Xuất khẩu, Nhập khẩu Việt Nam trên cơ sở Danh mục AHTN 2017 thay thế Danh mục hàng hóa Xuất khẩu, Nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC.
Ngành Hải quan cũng chú trọng xây dựng lực lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác giá chuyên sâu, bố trí cán bộ làm công tác giá phải dựa trên kiến thức chuyên môn được đào tạo, ưu tiên các cán bộ có kinh nghiệm thực tế về công tác giá, cán bộ có kiến thức về ngoại thương, không bố trí các cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn vào bộ phận giá. Việc luân chuyển phải tính đến yếu tố chuyên sâu, chỉ luân chuyển cán bộ trong bộ phận giá với nhau, không điều chuyển làm công tác khác. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác giá với các chuyên đề thiết thực, gắn liền với thực tiễn, tập trung đào tạo kỹ năng về tham vấn giá, kỹ năng bác bỏ trị giá khai báo của DN. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo về giá để học tập kinh nghiệm của các đơn vị bạn và cập nhật thường xuyên các hình thức gian lận.
Hoàn thiện các quy trình quản lý
Hiện cơ chế xác định giá tính thuế hàng Nhập khẩu ở Việt Nam hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá tính thuế theo GATT /WTO. Cùng với đó là cơ chế tự kê khai, tự xác định trị giá tính thuế, qua đó bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định như: tạo thông thoáng cho giao lưu thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế, thay đổi phương pháp quản lý của công chức Hải quan từ chỗ bị động mang tính áp đặt sang chủ động kiểm tra, kiểm soát việc tự khai báo của DN, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, nâng cao ý thức tự giác khai báo của các DN - đây là phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, để góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thuế qua việc tự xác định trị giá tính thuế cần tiếp tục hoàn thiện và thiết lập hành lang pháp lý cho một số hoạt động hỗ trợ công tác kiểm tra, kiểm soát và xác định trị giá khai báo như: trưng cầu thẩm định giá tại các trung tâm thẩm định giá, sử dụng thông tin giá do cơ quan tham tán thương mại, cơ quan thương vụ thuộc sứ quán Việt Nam tại các nước cung cấp về giá FOB nước bán.
Nhiều DN đã lợi dụng cơ chế tự kê khai, tự tính thuế tiến hành khai báo trị giá hàng hoá rất thấp so với thực tế hoặc mô tả sai hàng hoá nhằm mục đích trốn và tránh các khoản thuế phải nộp. Để khắc phục được tình trạng này, Tổng cục Hải quan đã xây dựng các quy trình quản lý đảm bảo tính đồng bộ và chặt chẽ trong việc triển khai các văn bản về xác định trị giá và mã số hàng hóa.
Hệ thống thông tin dữ liệu giá và Danh mục hàng hóa rủi ro về mã số đã thường xuyên được cập nhật. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng thường xuyên nâng cấp chương trình Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu giá chương trình GTT02 tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để xử lý các vướng mắc phát sinh.
Cùng với việc mở các địa điểm kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu, ngành Hải quan còn tham gia xây dựng Danh mục quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành có liên quan để từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản về phối kết hợp giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan chức năng. Tổng cục Hải quan cũng tham gia ý kiến, phối hợp với các đơn vị trong, ngoài ngành giải quyết các sự vụ vướng mắc và các việc có liên quan đến công tác phân loại (Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế- BTC; Cục Kiểm tra sau thông quan, Thanh tra Tổng cục, Cục Điều tra chống buôn lậu và các bộ,ngành). Tham gia các buổi đối thoại DN để nắm bắt và đề xuất tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc của Hải quan địa phương, DN về công tác phân loại hàng hóa Xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường công tác phối kết hợp với Hải quan khu vực và thế giới trong việc trao đổi thông tin về trị giá có thể giúp nhau xác định tương đối chính xác mức giá của hàng hoá Nhập khẩu cần xác định trị giá, từ đó sẽ có cơ sở để bác bỏ trị giá khai báo của các DN trong trường hợp DN khai báo giá quá thấp so với thị trường quốc tế.
Cùng với đó là tuyên truyền nâng cao ý thức cho mọi người về nghĩa vụ thuế trên cơ sở lấy yếu tố tự nguyện làm điểm mấu chốt thay vì sự điều chỉnh các hành vi vi phạm; Nâng cao chất lượng dịch vụ công của cơ quan Hải quan; Khuyến khích DN tham gia hỗ trợ một số công việc của cơ quan Hải quan nhất là trong việc cung cấp thông tin... cũng là một trong những phương pháp ngành Hải quan thực hiện để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giá, mã.
Thu Trang / Báo Hải Quan
Xem thêm: Dịch vụ Môi giới Hải quan uy tín - chất lượng của công ty CP TMDV Logistics Đông Dương