Tủ sách gia đình: HỌC GÌ ĐỂ KHÔNG THẤT NGHIỆP?
Học gì để không thất nghiệp? của Bill Coplin chỉ rõ các vấn đề của “học đại học” và đưa ra phương thuốc giải hiệu quả để thời gian học đại học không chỉ là thời gian đẹp nhất của mỗi đời người, mà còn là khoảng thời gian được đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai.
Điều các nhà tuyển dụng thực sự tìm kiếm là kỹ năng. Đứng đầu là kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp, sự chủ động trong công việc, kỹ năng tương tác cá nhân, kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu không sớm nhận ra và sử dụng nguồn đầu tư đó một cách khôn ngoan, bạn sẽ tạo ra thử thách không đáng có trong cuộc sống. Đầu tư vào đại học một cách khôn ngoan, cũng sẽ mở ra những cơ hội lớn trong cuộc đời bạn.
Những sinh viên hiểu rõ về giá trị của học phí và xem đại học như một vụ đầu tư, sẽ rời khỏi giảng đường với con đường sự nghiệp xán lạn. Ngược lại, những ai coi bốn năm đại học như một cuộc “cắm trại”, ai trả học phí cũng được, thường sẽ chật vật hơn rất nhiều sau khi ra trường. Họ cũng tốt nghiệp, nhưng không có mục tiêu nghề nghiệp, hoặc họ sẽ trở về quê, làm những công việc chỉ đủ tiền trang trải qua ngày. Nghiêm túc cân nhắc các khoản chi cho việc học đại học và hiểu rõ vai trò của đại học trong việc phát triển các kỹ năng của bản thân, cũng như khai thác các lựa chọn nghề nghiệp sau này, chính là nền móng căn bản cho vô vàn những kỹ năng cần có, đưa bạn đến với sự nghiệp thành công.
10 bộ kỹ năng cơ bản:
Điểm trung bình đại học không cung cấp đủ thông tin để nhà tuyển dụng lựa chọn bạn.Thay vào đó, họ sẽ chú trọng xem thử bạn có nắm được bộ 10 kỹ năng cơ bản này hay không. Chúng sẽ gồm:
- Chịu trách nhiệm: biết tự tạo động lực, có đạo đức, quản lý thời gian, làm chủ tài chính cá nhân.
- Kỹ năng thể chất: khoẻ mạnh, chỉn chu, đánh máy giỏi, viết tay tốt.
- Giao tiếp bằng lời: giao tiếp một – một, thuyết trình, sử dụng hình ảnh minh hoạ.
- Giao tiếp bằng văn bản: có khả năng viết lách, biên tập, sử dụng thành thạo công cụ xử lý văn bản, thuần thục giao tiếp trực tuyến.
- Làm việc với người khác: xây dựng mối quan hệ tốt, làm việc nhóm, có khả năng giảng dạy.
- Có khả năng truyền động lực: quản lý nhân sự hiệu quả, bán hàng thành công, có quan điểm xã hội đúng đắn, lãnh đạo hiệu quả.
- Khả năng thu thập thông tin: tìm kiếm trên web, sử dụng thư viện, sử dụng cơ sở dữ liệu thương mại, phỏng vấn, thực hiện khảo sát, lưu giữ và sử dụng tài liệu.
- Khả năng sử dụng những công cụ định lượng: số liệu, bảng biểu, bảng tính.
- Kỹ năng hỏi và trả lời những câu hỏi đúng.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.
Hãy xem xét lại các lựa chọn môn học của bạn để xem nó có giúp cho bạn phát triển các kỹ năng hay không, và hãy thử tìm hiểu trước về người thầy cô giáo sẽ đứng lớp giảng dạy bạn. Chính điều này sẽ giúp bạn chủ động trong cả việc học và hỏi đấy.
Những khoá học bên ngoài cũng rất hữu ích nếu bạn chọn đúng. Nếu bạn thấy mình cần bổ sung kỹ năng nào đó mà trường học chưa tạo điều kiện thuận lợi hoặc có quá ít điều kiện, thì hãy mạnh dạn đăng ký học bên ngoài.
Và khi đã có những kỹ năng đã trau dồi trong thời gian học đại học, bạn chắc chắn sẽ có được sự tự tin để thể hiện mình ở nơi mà bạn chọn, để xây dựng và phát triển nghề nghiệp.
Phương Nguyên (theo TGHN)