Xuất khẩu cá tra: Chồng chất khó khăn
Thị trường xuất khẩu giảm, giá thành sản phẩm cao, bị giám sát… khiến các DN sản xuất cá tra của Việt Nam đang phải đối đầu với nhiều khó khăn trong năm 2016.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, ngành cá tra tiềm ẩn nhiều rủi ro do hạn chế về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến cũng như khâu tiêu thụ. Chi phí sản xuất trong nước cao dẫn đến sản phẩm xuất khẩu kém cạnh tranh. Sản lượng cá tra năm 2015 của các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt 1.123 ngàn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 12-2015, nhu cầu Nhập khẩu cá tra chưa có dấu hiệu tích cực hơn ở các thị trường Nhập khẩu lớn là: Mỹ, EU, ASEAN, Mexico. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, kinh doanh và Xuất khẩu của DN trong những tháng đầu năm 2016. Nhu cầu không cao khiến nhà máy không thể tăng hơn công suất chế biến. Đây cũng là một lý do lớn ảnh hưởng đến giá cá tra nguyên liệu giảm.
Tại hầu hết các thị trường lớn, Xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ và Nhập khẩu chậm, giá bán không tăng, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm khắt khe hơn. Mỹ và EU là hai thị trường Xuất khẩu lớn nhất nhưng giá trị Xuất khẩu giảm liên tiếp ngay từ đầu năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong 8 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam thì có đến 6 thị trường giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể như, Mỹ (giảm 6,3%); EU (giảm 17,2%); ASEAN (giảm 0,8%); Mexico (giảm 16,8%); Brazil (giảm 36,8%) và Colombia (giảm 16,5%). Chỉ có giá trị Xuất khẩu sang Anh (tăng 13,9%); Trung Quốc – Hongkong (tăng 42,7%) và Ảrập Xê út (tăng 4,2%) so với cùng kỳ năm trước.
Vừa khó đưa hàng vào Mỹ vì thuế chống bán phá giá lại chịu sự cạnh tranh gay gắt từ cá rô phi Trung Quốc, cuối năm 2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) lại thông báo về việc quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá tra Nhập khẩu vào Mỹ. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3-2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang). Mốc thời gian có hiệu lực cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.
Quyết định này được đưa ra và có hiệu lực trong thời gian quá gấp đang gây hoang mang cho các DN Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Quy định này cho thấy đây là một khó khăn và thách thức trực tiếp cho việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới. Ngoài các quy định trên, cá tra cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm cá thịt trắng Alaska Pollack, cá Cod, cá rô phi…
Khó khăn về thị trường Xuất khẩu, giá thành sản xuất cao càng tăng áp lực lên giá thành cá tra nguyên liệu trong nước. Tính đến tháng 12-2015, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL dù tăng nhẹ khoảng 400 đồng/kg so với tháng trước nhưng vẫn khá trầm lắng. Tại Cần Thơ, giá thu mua cá tra nguyên liệu trong size 600-800g/con hiện giữ ở mức 19.500-20.000 đồng/kg (trả chậm); Tại Đồng Tháp giá cá trong size là 19.300-20.000 đồng/kg (trả chậm); tại An Giang là 17.500-19.000 đ/kg. Đây là mức thấp nhất trong năm 2015, dự báo trong năm 2016, khó khăn Xuất khẩu tại hầu hết các thị trường Xuất khẩu lớn và thị trường tiềm năng sẽ tác động trở lại khiến giá cá tra sẽ giảm thấp hoặc bất ổn hơn so với năm 2015.
Để khắc phục những khó khăn trên, ngành sản xuất cá tra Việt Nam đang tích cực, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới.
Trước những khó khăn từ các thị trường chính, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương kiêm Phó Chủ tịch VASEP cho rằng trong năm 2016, các DN đừng quan tâm nhiều vào thị trường Mỹ. Thay vào đó, hãy nhắm đến thị trường châu Á với dân số trên 3 tỷ người có mức thu nhập tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN… để có kế hoạch mở rộng thị trường. Theo ông Minh khi các cam kết TPP, FTA cho cánh cửa xuất khẩu rộng mở nhưng đồng thời hàng rào kỹ thuật tăng thêm. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản phải đi từ gốc đến ngọn bao gồm các lĩnh vực đầu tư, con giống, chế biến.
Ông Minh cho rằng ngành Nông nghiệp phải có chính sách đặc thù, và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 36/2014/NĐ- CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra; Đồng thời tập trung phát triển thị trường nội địa. Hiện tiêu thụ thị trường nội địa chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong khi các sản phẩm thủy sản được quản lý, kiểm soát gay gắt, chặt chẽ nhất. Do đó, cần phải có chính sách quảng bá sản phẩm ngay trên sân nhà, góp phần giải quyết được một phần khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Phải áp dụng công nghệ mới giúp tiết giảm chi phí, hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí VASEP cho biết, qua theo dõi gần 2 tháng đầu năm 2016 cho thấy, đúng là vẫn còn nhiều khó khăn đối với DN chế biến và Xuất khẩu cá tra. Hiện nay, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý sửa đổi Nghị định 36, các đơn vị chức năng đang tập trung nội dung dự thảo để trình Chính phủ sửa đổi, tạo thuận lợi cho DN.
Lê Thu/Báo Hải Quan