9,83 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện cả nước tính đến trung tuần tháng 4, theo thông tin cập nhật của Tổng cục Hải quan.

Đáng chú ý, nhóm hàng Xuất khẩu chủ lực này tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng đến hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ đạt 7,81 tỷ USD).

Như vậy, chỉ riêng con số tăng trưởng của ngành hàng điện thoại và linh kiện cũng đã lớn hơn tổng giá trị kim ngạch của 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gỗ (1,835 tỷ USD); thủy sản (1,687 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (1,663 tỷ USD).

Trong các thị trường nhập khẩu điện thoại của Việt Nam, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất vẫn là quốc gia dẫn đầu với kim ngạch đạt 1,124 tỷ USD (tính đến hết tháng 3-2016, theo cập nhật của Tổng cục Hải quan-PV).

Xuất khẩu điện thoại - iltvn.com

Các thị trường lớn khác có thể kể đến: Hoa Kỳ 1,09 tỷ USD; Hàn Quốc gần 540 triệu USD; Đức 450 triệu USD; Anh gần 446 triệu USD; Hồng Kông gần 360 triệu USD; Italia 310 triệu USD; Hà Lan 226 triệu USD…

Hiện nay, điện thoại chủ yếu được sản xuất, xuất khẩu từ 2 "đại gia" về sản xuất điện thoại di động là Samsung và Microsoft Bắc Ninh (nhà máy Nokia trước đây-PV).

Trả lời báo điện tử vnexpress mới đây, ông Hyun Woo Bang - Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: Đến nay Tập đoàn này đã đầu tư gần 15 tỷ USD vào Việt Nam. Hai dự án lớn nhất là Khu tổ hợp là Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với diện tích 110ha ở Yên Phong, Bắc Ninh và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) rộng 170ha ở Phổ Yên, Thái Nguyên.

Hai nhà máy này đều sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện điện thoại. Sản phẩm từ đây được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Năm 2015, Samsung xuất khẩu khoảng 32,5 tỷ USD, với 200 triệu điện thoại di động được cung cấp ra toàn cầu.

Các tổ hợp sản xuất điện thoại của Samsung tại Việt Nam lớn nhất trong số các nhà máy sản xuất điện thoại của Tập đoàn này trên toàn cầu.

T.Bình / Báo Hải Quan