Nhiều năm qua, tiêu xuất khẩu luôn đạt mức giá cao, song không ít DN xuất khẩu lại thường xuyên rơi vào trạng thái thấp thỏm vì sợ hàng bị trả về do không đảm bảo chất lượng. Thực tế, nếu không giải quyết tốt vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong hồ tiêu xuất khẩu, ngành hồ tiêu sớm muộn sẽ phải đối mặt với tình trạng “xuống dốc không phanh”.

thủ tục xuất khẩu hồ tiêu - logistics Đông Dương

90% sản phẩm tiêu được sản xuất từ các nông hộ nhỏ, rời rạc.

“Nút thắt” vắt qua nhiều năm

 

Theo Bộ NN&PTNT: Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 1 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 67 triệu USD, giảm 30,2% về khối lượng và giảm 31,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Xuất khẩu tiêu năm 2015 đạt 133 nghìn tấn với 1,26 tỷ USD, giảm 14,4% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 9.507 USD/tấn, tăng 22,7% so với năm 2014.

Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Singapore với 35,2% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (36,7%), Tây Ban Nha (33,9%), Hàn Quốc (28,3%) và Anh (26,7%).

 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, mới đây Bộ Y tế Tây Ban Nha đã cảnh báo hạt tiêu đen Nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn. Trước mắt, Tây Ban Nha sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc Nhập khẩu hạt tiêu đen tại các cửa khẩu của Việt Nam. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có đảm bảo kiểm tra chất lượng chính thức từ nơi xuất xứ, kết quả kiểm tra các lần tới đạt yêu cầu, hoặc cho đến khi Ủy ban châu Âu ban hành các biện pháp kiểm tra chung cho các nước thành viên.

Đầu năm, giá xuất khẩu hồ tiêu được ghi nhận vẫn khá cao. Tuy nhiên, thông tin bị cảnh báo làm cho niềm vui giá cao nhạt bớt. “Kịch bản” này lặp lại gần như giống y nguyên năm trước. Đầu năm 2015, giá xuất khẩu tiêu cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 và ở trên đà ngày một “nóng”. Trong lúc đó, đáng buồn là một số DN xuất khẩu tiêu lại thông tin, hàng của DN bị trả về nhiều hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2014. Thời điểm đó, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: Nguyên nhân dự đoán cũng là bởi trong quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân đã sử dụng chất Carbendazim để trữ tiêu và trừ nấm. Ngoài ra, tiêu được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ dẫn tới tình trạng tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau rồi đem bán cho các DN xuất khẩu khiến chất lượng tiêu không đảm bảo.

Một năm trôi qua, vẫn “nút thắt” cũ, vẫn câu chuyện tiêu xuất khẩu không đảm bảo chất lượng, song dường như mối lo ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, lo lắng nhất là các đối thủ khác của Việt Nam lợi dụng tình hình để làm ảnh hưởng uy tín ngành hồ tiêu. Xuất phát từ việc bị Tây Ban Nha cảnh báo, có thể xảy ra tình trạng tiêu xuất khẩu bị các thị trường tẩy chay. Nếu tình hình không được cải thiện, ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam có thể sẽ đi xuống trong thời gian không xa.

Cần “bàn tay” Nhà nước

VPA phân tích: DN xuất khẩu hạt tiêu không hề muốn xuất tiêu bẩn bởi rủi ro quá lớn như hàng có thể bị trả về, giá bán sẽ bị ép… nhưng rất khó tìm được tiêu sạch bởi 90% sản phẩm là từ nông hộ nhỏ, được sản xuất rời rạc, canh tác theo chủ quan. Hiện nay, phần lớn DN xuất khẩu hồ tiêu chỉ đơn thuần làm thương mại. Nhiều DN thậm chí còn phải đầu tư hàng triệu USD vào khâu xử lý, chế biến để có sản phẩm theo yêu cầu luôn đa dạng và khắt khe của khách hàng, nhất là những thị trường cao cấp, song công nghệ xử lý, chế biến cũng chỉ có giới hạn.

Thủ tục xuất khẩu hồ tiêu khó khăn - logistics Đông Dương

Theo VPA, kiểm soát được vệ sinh, an toàn với hồ tiêu không dễ, đòi hỏi nỗ lực của nhiều đối tượng cùng tham gia trong chuỗi, từ nhà cung cấp vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV…), tới nông dân, thương lái, người thu gom, DN cung ứng, DN xuất khẩu… Tuy nhiên, có thể nói vai trò của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp ở cấp Trung ương và địa phương là yếu tố tiên quyết mang tính quyết định.

Do đó để giải quyết vấn đề tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép với hồ tiêu xuất khẩu, VPA kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát ngay quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản hồ tiêu đang dùng phổ biến ở các vùng trồng tiêu để có kết luận rõ ràng, chính xác khâu nào trong quy trình đã gây tồn dư hoá chất trên hạt tiêu. Chỉ khi xác định rõ mới cơ sở để khuyến cáo và có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT nhanh chóng cho rà soát lại Danh mục thuốc BVTV dùng cho hồ tiêu, gấp rút loại bỏ khỏi danh mục một số thuốc chứa hoạt chất mà nhiều nước nhập khẩu đã ngăn cấm. Ngoài ra, Bộ NN&TNT có thể giúp giảm bớt dư lượng những chất này trên hồ tiêu xuất khẩu bằng cách đưa hồ tiêu vào loại thực phẩm ăn liền, tươi sống như chè, rau quả để có thể áp dụng qui trình kiểm soát tương tự. Thực tế việc kiểm soát Carbendazim trên thanh long xuất khẩu rất hiệu quả và hoàn toàn có thể áp dụng cho hồ tiêu.

Theo ông Đỗ Hà Nam, song song với việc loại bỏ một số chất cấm, Bộ NN&PTNT cũng cần đồng thời cho khảo nghiệm để đưa ngay vào danh mục những thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có thể thay thế vì tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu vẫn đang có chiều hướng ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, cần khẩn trương ban hành qui trình GAP cho hồ tiêu trong quý I-2016 trên tinh thần nội dung bộ qui trình không quá phức tạp, chỉ tập trung vào vấn đề chất lượng như qui định về canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV khoa học để làm căn cứ cho các địa phương quản lý sản xuất theo hướng vệ sinh, an toàn.

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu là hệ thống nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hồ tiêu cần gấp rút đẩy mạnh nghiên cứu sâu về giống hồ tiêu kháng sâu bệnh, nghiên cứu các tác nhân sinh học diệt trừ sâu bệnh để thay thế thuốc hoá học, đảm bảo cho nông dân có thể yên tâm canh tác. Đặc biệt, về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng các qui trình quản lý sản xuất từ hộ nông dân, qui hoạch vùng nguyên liệu để có thể tiến tới cấp chứng nhận vùng sản xuất, trên cơ sở đó xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất theo qui trình sạch, có chỉ dẫn xuất xứ, truy xuất nguồn gốc và xây dựng được thương hiệu.                           

Thanh Nguyễn / Báo Hải Quan

Xem thêm:

Xuất khẩu gạo vẫn đối mặt nhiều khó khăn

Xuất khẩu lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm sang Hoa Kỳ

Hoa Kỳ cam kết không làm gián đoạn xuất khẩu cá tra Việt Nam