Thiên nhiên ưu đãi, thị trường rộng mở, song những bất cập như quá phụ thuộc vào nguồn giống Nhập khẩu, chất lượng hoa không đảm bảo, vắng bóng DN tham gia đầu tư… đã trở thành rào cản điển hình khiến cho sản phẩm hoa, cây cảnh Việt Nam chưa thể tiến sâu vào thị trường thế giới.

Cửa “rộng”

 

Trong vòng 10 năm gần đây (2005-2015), diện tích hoa của Việt Nam đã tăng 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, kim ngạch XK đạt xấp xỉ 50 triệu USD. Việt Nam cũng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa đạt giá trị thu nhập từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha.

 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng có rất nhiều lợi thế để phát triển hoa, cây cảnh. Vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung bộ còn rất nhiều quỹ đất để phát triển lĩnh vực này với các lợi thế về khí hậu vùng núi cao mát mẻ quanh năm thích hợp với nhiều loài hoa, giống hoa cao cấp. Đặc biệt như tại Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Lai Châu có điều kiện để hình thành các trang trại, các DN sản xuất hoa công nghiệp phục vụ tiêu dùng nội địa cũng như XK.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Quốc Vọng, Trường Đại học RMIT, Melbourne Vic 3001 (Australia) đánh giá: Các vùng trồng hoa của Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu sản xuất hoa Xuất khẩu. Đặc biệt, khu vực Mộc Châu và Lâm Đồng là những “nhà kính” khổng lồ trời cho. Nếu muốn tạo một nhà kính rộng 976.479 ha như ở Lâm Đồng thì ở Australia, người trồng hoa phải trả nhiều tỷ USD mà chưa chắc đã xây dựng được. Trong khi đó  Lâm Đồng mới chỉ mới sử dụng 3.500 ha cho hoa.

thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hoa tươi - logistics Đông Dương

Xuất khẩu hoa Đà Lạt

Theo GS. TS Nguyễn Quang Thạch,Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam): Hiện nay, hoa Việt Nam không chỉ bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản – thị trường hoa lớn nhất châu Á, mà còn tăng cường thâm nhập vào nhiều thị trường khác như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và sang cả các nước châu Âu. Trong 10 năm gần đây, Xuất khẩu hoa Việt Nam sang Nhật đã tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, ông Thạch cũng chỉ ra, dù có tiềm năng rất lớn nhưng Việt Nam chưa tận dụng được để phát triển trở thành cường quốc Xuất khẩu hoa. Bằng chứng là, mặc dù Việt Nam được coi là quốc gia có diện tích trồng hoa khá lớn, tương đương với Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ 5 châu Âu về lĩnh vực này, song kim ngạch Xuất khẩu so với các cây trồng khác không đáng kể. Hiện Xuất khẩu hoa chỉ chiếm khoảng 60 triệu USD trong tổng số hơn 30 tỷ USD Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Con số 60 triệu USD cũng không đáng kể so với tổng thương mại hoa 130 tỷ USD của thế giới.

Phụ thuộc giống, yếu chất lượng

Trả lời cho câu hỏi, vì sao có “thiên thời, địa lợi” nhưng Việt Nam vẫn cứ là quốc gia Xuất khẩu hoa lẹt đẹt, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những điểm mấu chốt là nguồn giống hoa tốt đều phải Nhập khẩu. GS.Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, hiện hầu hết các giống hoa có chất lượng tốt đều phải Nhập khẩu từ nước ngoài như vạn thọ từ Pháp, các giống lan từ Thái Lan… Các cơ sở nhân giống lan bằng phương pháp cấy mô được thành lập ở TP.HCM đều sản xuất quy mô nhỏ như Viện Sinh học nhiệt đới, Trung tâm Nghiên cứu giống, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Công ty CP Phong Lan nên lượng giống không đủ cung ứng cho người trồng. Chính vì vậy, giá cây giống còn cao, như cây giống hoa lan Mokara từ 35.000-40.000đồng/cây. Còn ở các tỉnh phía Bắc, nhân giống nuôi cấy mô chủ yếu là lan hồ điệp, tuy nhiên vẫn chỉ cung ứng được 15-20%, còn lại vẫn phải nhập từ Đài Loan hoặc Trung Quốc.

Nói thêm về vấn đề nhân giống cũng như tổ chức sản xuất, phân phối hoa, theo TS. Lê Đức Thảo, Trưởng Bộ môn Đột biến và ưu thế lai (Viện Di truyền Nông nghiệp): Công nghệ trồng hoa ở nước ta phần lớn vẫn dựa vào điều kiện tự nhiên, ngoài đồng ruộng. Các công nghệ tiên tiến về hệ thống nhà kính, nhà lưới, tưới nước, bón phân, điều khiển sinh trưởng, phát triển, điều khiển ra hoa, giá thể… chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất,  thiếu đồng bộ. Riêng về kỹ thuật nhân giống hoa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, do đó chất lượng giống không cao, dễ bị thoái hoá, sâu bệnh nhiều, từ đó làm giảm chất lượng hoa.

Ngoài vấn đề nguồn giống, nhiều ý kiến đánh giá, thách thức đặt ra cho Xuất khẩu hoa Việt Nam còn là sản xuất hoa mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự gắn kết giữa các nông hộ, các DN tư nhân, giữa nghiên cứu và sản xuất, thiếu qui hoạch cho các vùng sản xuất chuyên canh. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát sâu bệnh hại và công nghệ quản lý sau thu hoạch của ngành hoa Việt Nam còn yếu kém, dẫn đến chất lượng hoa không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Ngoài ra, chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN trong lĩnh vực này cũng như tính cạnh tranh trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu và tham gia vào các Hiệp định thương mại và khối cộng đồng ASEAN ngày một cao cũng là những khó khăn đáng kể.

xuất khẩu hoa tươi khó khăn - iltvn.com

Nguồn giống hoa tốt đều phải nhập khẩu

Để Việt Nam có thể từng bước trở thành quốc gia Xuất khẩu hoa lớn trên thế giới, tương xứng với tiềm năng, một số chuyên gia đánh giá cần sớm khắc phục những điểm yếu về nguồn giống cũng như có các biện pháp, chính sách ưu đãi nhằm tăng cường thu hút hơn nữa các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực hoa, cây cảnh, từ đó đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, đáp ứng chất lượng của nhiều thị trường.

Đồng tình với quan điểm này, GS.Quý bổ sung cần tổ chức hệ thống thông tin dự báo về thị trường tiêu thụ, lập trang web về hoa, cây cảnh của các tỉnh thành trong cả nước để giao dịch mua bán, giới thiệu ra thế giới; xây dựng siêu thị nông nghiệp kết hợp với trung tâm giới thiệu, giao dịch, tư vấn về hoa, cây cảnh; xây dựng các chợ đầu mối tại các vùng trồng hoa cây cảnh lớn trong cả nước nên bố trí một khu riêng dành cho hoa cây cảnh và trang bị những thiết bị phụ trợ cần thiết để trở thành khu bán đấu giá hoa cây cảnh theo xu hướng kinh doanh hiện nay trên thế giới.

“Một trong những giải pháp quan trọng còn là cần có chính sách thuế hợp lý đối với các vùng chuyên canh hoa cây cảnh và với các đơn vị Xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ phát triển hoa, cây cảnh; tạo điều kiện nhập các giống mới, thiết bị công nghệ sinh học; xem xét miễn giảm thuế đối với trường hợp nhập khẩu các hạt giống, cây giống  hoa, cây cảnh để phục vụ cho việc nhân giống phục vụ cho sản xuất trong nước”, GS Quý nhấn mạnh.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT):

Sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách để kêu gọi DN đầu tư vào hoa, cây cảnh
Bộ NN&PTNT gần đây đã xác định thế mạnh và tính hiệu quả của lĩnh vực hoa, cây cảnh. Các viện nghiên cứu như Viện Ngiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp… đã được đầu tư nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống hoa, dự án giống giai đoạn 1, 2 và tiếp tục giai đoạn 3 năm 2015-2020. Nhiều địa phương từ nguồn đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh cũng quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đối với phát triển thị trường hoa, cây cảnh trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ, nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống hoa, cây cảnh, chú trọng điều tra, phục tráng, cải tiến và nhân các giống hoa bản địa, nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới; hỗ trợ để xây dựng các mô hình, chuyển giao cho nông dân và DN.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế chính sách về đất đai, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực hoa cây cảnh; hình thành thị trường giao dịch, bán buôn hoa cây cảnh, gắn với các siêu thị vật tư nông nghiệp và sản phẩm chuyên nông nghiệp, tìm kiếm mở các thị trường XK không chỉ hoa mà cả cây cảnh, cây thế cây bon sai; củng cố nâng cao sức mạnh và kết nối theo chuỗi sản xuất của hệ thống hộ với DN, hình thành hiệp hội hoa ở các vùng trọng điểm được quy hoạch nhằm hỗ trợ nhau trong khoa học, công nghệ, thị trường.

T.N (ghi)

 Thanh Nguyễn / Báo Hải Quan