Phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Titan Việt Nam về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khai thác titan, Bộ Tài chính đã có văn bản chính thức khẳng định không giảm thuế xuất khẩu cũng như thay đổi mã hàng.

 

"Đòi" giảm thuế đồng loạt

Tháng 9-2015, Hiệp hội Titan Việt Nam đã gửi Tờ trình tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản titan.

Trong tờ trình này, Hiệp hội cho biết: Một số doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng để bảo vệ máy móc, thiết bị. Hoạt động sản xuất của 14 đơn vị trong Hiệp hội chỉ đạt 38,7% vào năm 2013; 16,2% công suất cho phép theo giấy phép khai thác mỏ vào năm 2014.

Với tình trạng sản xuất như trên, máy móc, thiết bị, các công trình xây dựng hạ tầng... bị xuống cấp nghiêm trọng do phải dừng hoạt động dài ngày. Nếu tổ chức sản xuất trở lại, các doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn để sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng máy móc, thiết bị cũng như các công trình hạ tầng, thậm chí phải đầu tư mới hoàn toàn.

Giải thích sự đình trệ trong sản xuất, Hiệp hội này lý giải: Các loại sản phẩm làm ra có giá thành cao (chủ yếu do thuế, phí và lệ phí quá cao) trong lúc giá bán giảm nhanh và giảm sâu dẫn đến hàng tồn kho lớn, người lao động không có việc làm, không có thu nhập, an sinh xã hội không được đảm bảo.

logistics đông dương - xuất khẩu titan tồn kho

Khó khăn của DN trong sản xuất Titan

Bên cạnh đó, giá cả các vật tư nguyên nhiên vật liệu như xăng, dầu, điện, than, xi măng, sắt thép, vật tư phụ tùng... đều tăng cao, làm cho giá thành sản xuất tăng lên đáng kể.

Với tình trạng đó, Hiệp hội Titan Việt Nam đề nghị chuyển mã hàng hóa 2614.00.10 (đối với sản phẩm ilmenit hoàn nguyên) sang mã hàng hóa 2823.00.00 (titan oxit), đồng thời giảm thuế xuất khẩu mặt hàng này từ 15% xuống 7%; đề nghị chuyển mã hàng hóa 2615.10.00 (đối với zircon mịn và zircon siêu mịn) sang mã hàng hóa 2823.10.00 (titan oxit) và giảm thuế xuất khẩu từ 10% xuống 7%.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị giảm thuế xuất khẩu của một số sản phẩm chế biến từ titan như tinh quặng ilmenit, tinh quặng rutin, tinh quặng momazit,...từ mức thuế 20%, 30% xuống còn 10%.

Chính sách đã phù hợp

Trước những đề nghị nói trên của Hiệp hội Titan Việt Nam và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu rà soát để có điều chỉnh phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính đã đưa ra các phương án và tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Trong văn bản chính thức trả lời Hiệp hội Titan Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng các đề xuất nêu trên là không phù hợp.

Đầu tiên, với đề xuất thay đổi mã số hàng hóa, Bộ Tài chính dẫn chứng, theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC, mặt hàng ilmenit hoàn nguyên có hàm lượng Ti02> 56%, FeO <11% thuộc nhóm 28.23, mã hàng 2823.00.00.40. Thông tư 182 mới được ban hành cuối năm 2015 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016.

Tương tự, theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, mặt hàng Zircon mịn và Zircon siêu mịn thuộc nhóm 26.15 “Quặng niobi, tantaii, vanadi hay zircon và tinh quặng của các loại quặng đó”. Trong khi đó nhóm 28.23 là titan oxit gồm các mặt hàng có chứa nguyên tố gốc titan (TiO).

Do vậy, việc kiến nghị thay đổi mã số của các mặt hàng như trong tờ trình của Hiệp hội Titan là không phù hợp.

Về thuế xuất khẩu, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn "từ chối" những kiến nghị giảm thuế xuất khẩu của Hiệp hội Titan Việt Nam đối với các mặt hàng ilmenit hoàn nguyên (mã 282.00.00.40) có thuế xuất khẩu là 10% - mức cao nhất trong khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định; mặt hàng tinh quặng ilmenit (mã hàng 2614.00.10) và tinh quặng rutile (mã hàng 2614.00.90) có thuế xuất khẩu 30% (khung thuế của mã hàng này là 10-40%); tinh quặng monazit được phân loại vào mã hàng 2612.20.00.

Theo cơ quan này, việc áp dụng các mức thuế như hiện hành là phù hợp nhằm thực hiện định hướng của Nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản đã được nêu trong Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Trong đó nêu: "Quặng titan: Không cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với quặng titan sa khoáng. Đối với những mỏ đang khai thác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức kiểm tra, nếu không bảo đảm môi trường thì thu hồi giấy phép, yêu cầu phục hồi môi trường và đưa vào quy hoạch dự trữ quốc gia. Xây dựng đề án tổ chức thăm dò, khai thác quy mô lớn, chế biến tập trung, bảo đảm hiệu quả kình tế - xã hội để phát triến ngành công nghiệp titan. Cho phép xuất khẩu khối lượng tinh quặng ilmenit hiện đang tồn kho đến hết tháng 6-2012. Từ 1-7-2012, không xuất khẩu quặng titan chưa qua chế biến sâu và việc xuất khẩu phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”.

Đối với tinh quặng zircon (mã 2615.10.00), mặt hàng này không thuộc danh mục khoáng sản xuất khẩu ban hành theo Thông tư số 41/2012/TT-BTC của Bộ Công Thương, hơn nữa mức thuế xuất khẩu hiện nay là 20% khá tương đồng với mức thuế xuất khẩu chung của các mặt hàng tinh quặng khác (tinh quặng niken, tinh quặng thiếc, tinh quặng molopden, tinh quặng niobi… có mức thuế suất 20%). Do đó, việc giảm thuế xuất khẩu là không cần thiết.

Với mặt hàng rutile (mã 2823.00.00), xỉ titan (mã 2823.00.00), ngày 7-1-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, trong đó giao Bộ Tài chính “… không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cần giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế”. Với chỉ đạo này, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng nói trên theo quy định hiện hành.

Riêng mặt hàng zircon mịn và zircon siêu mịn (mã 2615.10.00) vốn đang được hưởng mức thuế xuất khẩu thấp nhất trong khung thuế suất do UBTVQH quy định đối với nhóm 2615 là 10-40%. Do đó, mặt hàng này không thể giảm xuống 7% như đề nghị của phía doanh nghiệp.

                                                                                                                                 Hồng Vân / Báo Hải Quan