Điều cần biết về Phòng vệ thương mại EU
Bài viết này sẽ giới thiệu về hiện đại hoá các công cụ Phòng vệ thương mại(PVTM) của EU, mà tâm điểm là những quy định cơ bản đối với vấn đề chống phá giá và chống trợ giá.
Trong phát biểu trước uỷ ban EU vào ngày 7/6/2018, ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch uỷ ban EU, nói: “EU tin vào tự do và bình đẳng thương mại, nhưng chúng ta không phải là những nhà kinh doanh khờ khạo. Chúng ta đã cho thấy nanh vuốt của mình khi áp dụng các biện pháp chống phá giá và trợ giá. Và giờ đây, trong kho vũ khí của chúng ta có được những quy định mới và hoàn thiện về phòng vệ thương mại (PVTM), nhằm hạ gục những thách thức của thời đại trong thương mại toàn cầu. Không khoan nhượng, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ nhà sản xuất và công nhân của EU, nếu những người chơi khác lũng đoạn thị trường hoặc không chơi đúng luật”.
Để làm được điều mà ngài chủ tịch tuyên bố, EU đã cho triển khai các biện pháp PVTM (TDIs), nhằm đảm bảo rằng trong bối cảnh tự do thương mại, các hoạt động thương mại được diễn ra một cách bình đẳng, duy trì sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia vào thị trường chung và bảo vệ lợi ích chính đáng của họ. Hệ thống PVTM của EU bao gồm năm vấn đề chính: Chính sách PVTM, Các công cụ PVTM (TDIs), Các chương trình nhằm đảm bảo hàng hoá nhập khẩu vào EU là công bằng (không phá giá, trợ giá, bảo hộ), Các chương trình đảm bảo thương mại bình đẳng đối với các nhà xuất khẩu thuộc khối EU, và cuối cùng là Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tốt cho doanh nghiệp EU
Các biện pháp phòng vệ sẽ được áp dụng từ sớm, giúp cho ngành công nghiệp của EU khỏi những thiệt hại do việc nhập khẩu bất bình đẳng. Theo đó, uỷ ban EU thông báo với các bên quan tâm ba tuần trước khi những biện pháp tạm thời sẽ được áp dụng.Các công ty EU biết trước nhà xuất khẩu nào bị áp thuế, với mức bao nhiêu. Nhà xuất khẩu và doanh nghiệp thuộc EU có liên quan cũng được cung cấp các tính toán phá giá/trợ giá/thiệt hại đối với các biện pháp lâm thời này.
Các điều tra chống phá giá cũng sẽ nhanh hơn. Khi một ngành của EU chịu tổn thất do nhập khẩu phá giá, uỷ ban EU sẽ áp dụng các biện pháp chống phá giá trong vòng 7 – 8 tháng sau điều tra ban đầu (trước đó là 9 tháng). Quá trình điều tra sẽ được rút ngắn từ 1 – 14 tháng, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn cao về thẩm tra dữ liệu, thời hạn điều tra và các thủ tục có liên quan.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) được hỗ trợ thông qua ban Hỗ trợ SME (SME Help Desk). Theo đó, SMEs có thể dễ dàng tham gia vào các điều tra PVTM.Uỷ ban EU tạo một trang web cung cấp thông tin có liên quan, bao gồm cả hướng dẫn lưu hồ sơ khiếu nại, cũng như các câu hỏi phổ biến của các nhà sản xuất, nhập khẩu và người dùng thuộc khối EU. Uỷ ban EU cũng tiếp cận với các tổ chức thương mại của các nước thành viên, với mục đích thông tin đầy đủ về các công cụ và chức năng của họ, trong hỗ trợ thực thi các biện pháp PVTM.
Hiệu quả và vững chãi hơn
EU đang giữ vững lập trường liên quan đến việc đối phó với các hành động lũng đoạn thương mại của các quốc gia ngoài EU, thuế suất cao hơn sẽ được áp dụng nếu điều này là cần thiết cho bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp EU. Hiện đại hoá TDIs, đã được cải tiến, liên quan đến việc tính toán giá không gây tổn hại (nhằm xác định đúng biên độ tổn hại), căn cứ theo giá thành sản xuất và lợi nhuận mục tiêu. Trong đó, giá thành sản xuất bao gồm hai vấn đề chính, là đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới, phát triển (thường bị cắt bỏ ở các nước đang phát triển, vì mục đích cắt giảm chi phí) và chi phí nhằm phù hợp với các Thoả thuận đa phương, liên quan đến môi trường và sử dụng lao động.
Các doanh nghiệp EU sẽ có thể tiếp cận với các công cụ PVTM mà không sợ bị “trả đũa” ở những thị trường khác.Khi doanh nghiệp EU có nguy cơ bị trả đũa, uỷ ban EU sẽ tiến hành điều tra và thực thi các biện pháp cần thiết để phòng vệ.
Phản ánh giá trị EU
Hiện đại hoá TDIs thể hiện cam kết của EU về một hệ thống thương mại dựa trên nền tảng luật định, để đảm bảo sự cân bằng và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Hiện đại hoá TDIs cũng thể hiện cam kết của EU về những chuẩn mực cao hơn cho môi trường và xã hội.
Liên đoàn Lao động, đại diện cho những người công nhân có quyền lợi bị ảnh hưởng do nhập khẩu bất bình đẳng, có thể tham gia đầy đủ vào các quá trình điều tra chống phá giá và trợ giá.
Kết luận
Có thể nói, phá giá, trợ giá, bảo hộ là đối tượng chính mà hệ thống PVTM EU nhắm đến. Các chuẩn mực cơ bản như sử dụng lao động và đảm bảo an sinh cho người lao động; tôn trọng và bảo vệ môi trường đã được xây dựng và thực hành ở EU từ rất lâu. Việc uỷ ban EU quốc tế hoá các yêu cầu này, đưa chúng vào thành các quy định áp dụng cho các quốc gia ngoài EU muốn xuất khẩu hàng hoá vào EU. Chúng được xem là phương án thích hợp, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho những nhà sản xuất và người lao động của EU.
Việt Nam đang có một hạ tầng rất khác, thế nên để có được các biện pháp PVTM hiệu quả, trong bối cảnh tự do thương mại đang diễn ra như hiện nay, nên chăng các bên ngồi lại với nhau để xác định xem chúng ta muốn một môi trường thương mại như thế nào trong tương lai, và cách nào chúng ta hiện thực hoá chúng. Sao chép máy móc, hoặc chắp vá các biện pháp PVTM hiện hành của các quốc gia tiến bộ, không giúp chúng ta đến đích. Vì rằng, để đi đến đích và đi được xa, ta nhất định phải đi đôi giày đã được đo ni và đóng cho vừa với bàn chân của ta.
Kim Thanh (theo TGHN)