Doanh nghiệp gặp khó trong thực hiện Hiệp định vận tải Việt Nam – Campuchia
Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam đang hoạt động trên các tuyến vận tải liên vận Việt Nam – Campuchia, hiện các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn do một số chi phí tăng gây nên tình trạng xe phải xếp hàng dài chờ đợi làm thủ tục tại cửa khẩu, gây lãng phí nhiều về thời gian.
Doanh nghiệp vận tải kêu khó
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trước đây, đối với việc mở tờ khai cho xe thông quan, cơ quan chức năng tại cửa khẩu yêu cầu 1 lần/1 năm với mức phí là 200.000 đồng/lượt mở tờ khai và 100.000 đồng/lượt thanh lý. Hiện nay mức phí này đã thay đổi, mỗi lượt xe qua cửa khẩu phải mở tờ khai với chi phí mở tờ khai là 200.000 đồng và chi phí thanh lý tờ khai 100.000 đồng.
Sự thay đổi như trên, ngoài việc tăng thêm chi phí cho từng chuyến xe còn gây nên tình trạng xe phải xếp hàng dài chờ đợi làm thủ tục tại cửa khẩu, gây lãng phí nhiều về thời gian. Chính vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra lại tình hình trên để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay do bên phía Campuchia mới quy định khi phương tiện Việt Nam được cấp sổ liên vận mới, đổi sổ, hoặc gia hạn, Hải quan cửa khẩu Campuchia thu 2.000.000 đồng (trước đây thu 1.000.000 đồng/1 sổ) với lý do sổ mới chưa có trên hệ thống của Hải quan Campuchia. Tuy nhiên đối với xe Campuchia vào Việt Nam thì Hải quan Việt Nam không thu khoản phí này.
Đồng thời, khi xe Việt Nam lưu thông trên lãnh thổ Campuchia, cảnh sát Campuchia kiểm tra xử phạt lỗi phương tiện Việt Nam không có tem lưu hành được cấp bởi Bộ Giao thông công chính Campuchia.
Qua tìm hiểu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam được biết, hiện Bộ Giao thông công chính Campuchia thu phí trên đầu phương tiện với mức 2.000.000 Riel/năm (tương đương 11.322.000 đồng Việt Nam), phương tiện nộp phí thì được cấp tem dán trên xe. Tuy nhiên xe của Campuchia vào Việt Nam lại không phải chịu khoản phí này.
Cũng theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, theo quy định hiện hành, phương tiện vận tải liên vận qua 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia (được cấp sổ liên vận màu đỏ) thì khi xuất cảnh ở cửa khẩu nào thì khi nhập cảnh tại cửa khẩu đó.
Tuy nhiên, quy định này hiện đang gây khó khăn, lãng phí rất lớn cho các đơn vị vận tải. Trong điều kiện áp dụng công nghệ thông tin rộng rãi như hiện nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị sớm xem xét sửa đổi quy định nói trên theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải, giảm chi phí lưu thông hàng hóa và chi phí đi lại cho hành khách.
Mức thu đã được quy định rõ
Trước những vướng mắc của doanh nghiệp, phóng viên đã trao đổi với một công chức hải quan về vấn đề này. Công chức này cho biết, theo biểu mức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh kèm theo Thông tư 274/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh, thì phí hải quan đăng ký tờ khai là 20.000 đồng/tờ khai; phí hải quan kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là 200.000 đồng/đơn; lệ phí quá cảnh đối với hàng hóa là 200.000 đồng/tờ khai; lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (gồm: ô tô, đầu kéo, máy kéo) là 200.000 đồng/phương tiện và lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, đầu kéo, xà lan) là 500.000 đồng/phương tiện.
Trong đó, tại Điều 5 về kê khai, nộp phí, lệ phí của người nộp đã quy định rõ: “ 1. Người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí theo từng lần phát sinh trước khi thông quan, giải phóng hàng, phương tiện vận tải quá cảnh hoặc khi đề nghị cơ quan Hải quan áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 2. Trường hợp đăng ký tờ khai nhiều lần trong tháng, người nộp phí, lệ phí đăng ký với tổ chức thu phí thực hiện nộp phí theo tháng...".
Cũng theo công chức hải quan này, quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Thông tư 274/2016/TT-BTC quy định: “a) Cơ quan Hải quan thực hiện thu phí, lệ phí trực tiếp của người nộp và tổ chức được ủy nhiệm thu phí, lệ phí.
b) Cục hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tổng hợp số thu phí, lệ phí của chi cục hải quan trên địa bàn tỉnh, thành phố), chi cục hải quan các tỉnh chưa có cục hải quan thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 19 và Khoản 2 Điều 26 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, và nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào NSNN theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục NSNN”.
Về cách thức nộp phí, người nộp phí, lệ phí có thể nộp từng lần hoặc nộp theo tháng theo quy định như trước đây. Tuy nhiên, muốn nộp theo tháng người nộp phí phải đăng ký với tổ chức thu phí về việc nộp phí theo tháng.
Người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí tiền mặt trực tiếp cho cơ quan Hải quan hoặc chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc tài khoản của tổ chức được ủy nhiệm thu tại ngân hàng thương mại.
Nguồn: HQ Online