Trước đây, sản phẩm phải được công bố hợp quy, đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn mới được lưu thông trên thị trường nhưng hiện nay, doanh nghiệp đã có thể sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm sau khi tự công bố chất lượng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chất lượng sản phẩm sẽ bị thả nổi, Doanh nghiệp muốn làm gì thì làm.

Thông tin này được PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế xác nhận tại Hội thảo phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, được tổ chức ngày 28/2. Nghị định này thay thế Nghị định 38 năm 2012 về quản lý ATTP.

iltvn.com - doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm

TS Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại hội thảo

Một trong những điểm mới của Nghị định 15 là sẽ chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm đa số sản phẩm. 

Trước đó, các cơ quan chức năng quản lý ATTP theo hình thức tiền kiểm. TS Phong cho biết, theo quy định mới, hiện nay sau khi doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì phải gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận như trước đây, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.
Sau công bố, đơn vị có thể sản xuất ngay nhưng sau đó, cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nếu công bố sai, thì cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng sản xuất và các sản phẩm vừa sản xuất, phải thu hồi và tiêu hủy.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước thì được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.
“Nghị định tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý”, TS Phong cho biết.

Để có biện pháp kịp xử lý kịp thời, nếu doanh nghiệp sai phạm, cơ quan quản lý khi hậu kiểm sẽ thực hiện lấy 3 mẫu, 1 mẫu lưu tại cơ sở, 2 mang về kiểm nghiệm. Nếu không đạt thì có biện pháp xử lý ngay, tránh trường hợp như trước, nhiều địa phương lấy mẫu kiểm tra, có khi mấy tháng mới có kết quả. Lúc này, sản phẩm vi phạm có thể đã được đưa ra thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nghị định 15 được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.

Điểm nhấn lớn nữa tại Nghị định 15 là thay đổi căn bản quy định kiểm tra nhà nước về ATTP. Nếu trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra.

logistics đông dương - dịch vụ công bố chất lượng sản phẩm uy tín tại hà Nội

Kiểm tra vệ sinh an toàn thưc phẩm

Theo đó, Nghị định 15 quy định tới 9 loại sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu. Chẳng hạn như: Các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ông Trần Nhật Nam, Trưởng phòng Pháp chế-Hội nhập, Cục ATTP, cho biết, Nghị định 15 tiếp tục phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm: Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối.
Riêng với một số doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm giao thoa thuộc thẩm quyền quản lý của 2 Bộ trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, cơ quan đó sẽ quản lý.
Đặc biệt, đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của 2 Bộ trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP để thực hiện các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Nghị định 15 cũng quy định cụ thể các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

Theo phunuvietnam.vn

Xem thêm: Thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm