Lâu nay hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị mang tiếng là chỉ đi gia công hoặc bị hạ cấp thành làm thuê cho các nền kinh tế và doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên lần đầu tiên một khảo sát về lĩnh vực này do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy những lợi ích không thể phủ nhận của dịch vụ gia công hàng hóa cho nước ngoài.

Phí gia công của hàng dệt may và giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài. Nhóm hàng dệt may đứng đầu với số ngoại tệ thu về 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công; giày dép 2,7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công; lắp ráp điện thoại 268 triệu USD, chiếm 3,1%; lắp ráp điện tử máy tính 63 triệu USD, chiếm 0,7% và gia công hàng hóa khác thu được 1,4 tỷ USD, chiếm 16,2%.Theo đó, với 1.687 gia công lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài trong số 1.740 doanh nghiệp có hoạt động này đã đem về nguồn lợi hữu hình cho nền kinh tế là khoản ngoại tệ lên đến 8,6 tỷ USD cùng cơ hội việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Các đối tác chính đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công, lắp ráp hàng hóa trong năm 2016 là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nhận hợp đòng gia công hàng may mặc tại Việt Nam - iltvn.com

Hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công. Trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp bán tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công thấp với 3,9%, trong đó thấp nhất là điện thoại và dệt may, tỷ lệ được để lại tiêu thụ tại Việt Nam tương ứng là 0,2% và 1%.

Trong khi đó, hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam thuê nước ngoài gia công, lắp ráp hàng hóa là không đáng kể với tổng số phí các doanh nghiệp Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài về thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp là 8,2 triệu USD. Trong đó, nhóm hàng điện tử máy tính đạt 6 triệu USD, chiếm 72,5% tổng số phí trả cho đối tác nước ngoài; dệt may 0,5 triệu USD, chiếm 6,3% và các nhóm hàng khác 1,7 triệu USD, chiếm 21%.

Theo các chuyên gia, hoạt động gia công của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, khu vực công nghiệp cần nhiều lao động và là khu vực kinh tế cần hiện đại hóa trước tiên nếu muốn hiện đại hóa nền kinh tế. Đó chính là lợi điểm về lâu về dài cho nền kinh tế. Bên cạnh đó với các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu cho các nước phát triển được đối tác cung cấp cho các mẫu hàng, các trang thiết bị để hoàn thành công việc. Thông qua các mẫu mã mà họ cung cấp, các doanh nghiệp của ta có thể phân tích để từng bước định hình được phong cách tiêu dùng của thế giới, từ đó có thể tiến tới tự cung cấp mẫu mã cho thị trường. Hoạt động gia công xuất khẩu giúp cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới một cách dễ dàng hơn trong khi không phải bỏ chi phí cho hoạt động bán sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên điều rất đáng quan tâm là với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính, gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này. Điều này đã phần nào hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước liên quan đến nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính.

Quang Lộc