Phát triển Logistics XANH cho tăng trưởng bền vững
Nền kinh tế càng phát triển và đạt nhiều thành tựu, càng ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, gây nên sự biến đổi khí hậu. Do vậy, các doanh nghiệp cần thay đổi mô hình logistics truyền thống sang logistics hiện đại hay logistics xanh, hướng tới sử dụng hợp lý nguồn năng lượng, giảm tiếng ồn, rác thải và khí thải. Bài viết phân tích thực trạng và triển vọng phát triển logsitics xanh tại Việt Nam.
Thực trạng logistics xanh tại Việt Nam
Quy định pháp lý về phát triển logistics xanh
Hiện Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số quy định pháp lý quan trọng, làm cơ sở cho sự phát triển của hoạt động logistics nói chung và logistics xanh nói riêng gồm: Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT ngày 30/6/2010, quy định về các dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; Quyết định số 855/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/6/2011 với mục tiêu kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường, hướng tới xây dựng hệ thống giao thông vận tải bền vững; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Chính phủ về chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó đề cập đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo hướng bền vững, giảm lượng phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Thực trạng hạ tầng vận tải
Sau hơn 30 năm đổi mới nền kinh tế, hệ thống hạ tầng vận tải Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Từ một hệ thống kết cấu hạ tầng kém cả về số lượng và chất lượng, đến nay kết cấu hạ tầng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hệ thống đường bộ với 256.684km, trong đó đường quốc lộ là 17.288km, 2.600km đường sắt, 41.900km đường thủy, 260 cảng biển và 37 sân bay, năng lực thông qua cảng thủy nội địa là 96 triệu tấn, năng lực thông qua các cảng biển là 370 triệu tấn, năng lực thông qua các cảng hàng không khoảng 63 triệu tấn (Đặng Đình Đào và cộng sự, 2017). Tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam vẫn luôn xếp vào hàng yếu kém về chất lượng, lạc hậu về trình độ kỹ thuật công nghệ so với yêu cầu phát triển và so cả với nhiều nước trong khu vực.
Hiện, cơ sở hạ tầng vận tải trung chuyển hàng hóa giữa kho và cảng chủ yếu sử dụng các phương tiện vận tải đường bộ, đặc biệt là các xe container, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường liên tỉnh của Việt Nam thường xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, gây ảnh hưởng tới hiệu suất chuyên chở.
Thực trạng kho bãi
Hầu hết hệ thống kho bãi được xây dựng từ khá lâu nên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vừa thiếu lại vừa yếu, trình độ kỹ thuật lạc hậu, chất lượng nhà kho xuống cấp và sử dụng lao động thủ công là chủ yếu.
Số liệu nghiên cứu cho thấy, quy mô sử dụng kho tàng bến bãi nhỏ là hạn chế lớn nhất đối với các nhà kinh doanh kho bãi, chiếm 62,3%, tiếp đến là sự hạn chế và hiện đại hóa thiếu đồng bộ (59,42%); thiếu quy hoạch trong dài hạn (49,7%); quản lý không hiệu quả (32,29%); cung ứng thiếu tính chuyên nghiệp (10,3%)... Một điều đáng quan tâm hiện nay là tất cả các cảng biển quốc tế của Việt Nam chưa có một trung tâm logistics đúng nghĩa nào phục vụ cho các dịch vụ trước và sau cảng.
Kho bãi là nhân tố ảnh hưởng đến quyết định xanh hóa logistics. Tuy nhiên, chính việc phân bố kho bãi phân tán, dẫn tới việc thiếu hụt các kho bãi gần các tuyến đường giao thông, sân bay và cảng biển chính đang gây những khó khăn trong việc tập hợp hàng hóa trước khi vận chuyển tới người tiêu dùng cuối cùng. Điều này phát sinh chi phí vận chuyển, tăng thời gian vận chuyển, tăng lượng khí thải ra môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược xanh hóa lĩnh vực logistics.
Một vấn đề khác liên quan tới kho bãi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung một số lượng lớn hàng ở các kho có địa điểm gần nhau, khiến tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường nối kho với cảng. Việt Nam lại chưa quan tâm đến việc đầu tư các khu bất động sản logistics để thu hút đầu tư logistics quốc tế và đầu tư logistics trong nước. Trên các hành lang kinh tế hầu như bỏ ngõ các trung tâm logistics để kết nối với đường gom làm ùn tắc, tai nạn giao thông, gây ô nhiễm môi trường... Ngoài ra, việc sắp xếp hàng không hợp lý trong kho cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận chuyển trong việc tìm đúng hàng để bốc dỡ, vận chuyển, dẫn tới kéo dài thời gian giao hàng, ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này cũng giảm mức độ hiệu quả và mức độ xanh hóa logistics trong quá trình thực hiện chuỗi cung ứng xanh tại Việt Nam.
Thực trạng hệ thống thông tin
Từ năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cung cấp dịch vụ 4G cho 4 nhà mạng. Các nhà mạng cũng đã nhanh chóng triển khai hạ tầng để đi vào hoạt động, phát triển di động băng rộng nhằm đẩy mạnh việc phát triển internet kết nối vạn vật. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, số thuê bao internet băng rộng cố định ước tính đạt 10,5 triệu thuê bao, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 120,4 triệu thuê bao, trong đó số thuê bao di động đạt 113,2 triệu thuê bao. Năm 2017, thông tin di động đã có bước phát triển mới với việc các nhà cung cấp dịch vụ triển khai mạng 4G-LTE trên băng tần 1800MHz khắp cả nước.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, 2017 về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các doanh nghiệp logistics, cho thấy: (1) Công nghệ thông tin đã có bước phát triển giúp đa dạng kênh bán hàng và phân phối đến người tiêu dùng được thuận tiện hơn; (2) Phương pháp EDI để gửi và nhận dữ liệu thông tin giữa các doanh nghiệp logistics và hải quan mới được áp dụng và chưa đạt hiểu quả; (3) Vấn đề định vị vị trí phương tiện vận tải sử dụng GPS chưa đem lại hiệu quả tối đa trong việc vận hành các phương tiện vận tải đường bộ; (4) Hạ tầng CNTT rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức và chưa có kết nối, thiếu nhiều ứng dụng và không đồng bộ; (5) Hạ tầng CNTT có cải thiện nhưng chưa như mong đợi; (6) Hạ tầng CNTT tạm ổn nhưng quy mô nhỏ và không theo kịp được với sự phát triển của thương mại điện tử.
Mặc dù, phần lớn các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng IT đối với ngành logistics, tuy nhiên, do tỷ suất đầu tư lớn dẫn đến các hạng IT của doanh nghiệp như: hệ thống quản lý giao nhận (FMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), quản lý nguồn lực (ERP),... được thực hiện khá manh mún, không mang tính hệ thống nên kết quả đầu tư không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Một số kiến nghị thúc đẩy sự phát triển logistics xanh tại Việt Nam
Trong bối cảnh ngành logistics hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề để hướng tới ngành logistics xanh, hiện đại, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững (xem ảnh).
Theo GS.TS. Đặng Đình Đào - TS. Nguyễn Thị Diệu Chi