Phát triển quan hệ đối tác giữa Hải quan và doanh nghiệp: Quyền và nghĩa vụ của cả hai bên
Quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan luôn gắn liền với sự tham gia, hợp tác, tham vấn, giám sát… từ phía DN.
Một hoạt động nằm trong chuỗi hành động nâng tầm quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp của đơn vị hải quan cơ sở
Mong muốn hợp tác kịp thời
Tăng cường quan hệ đối tác Hải quan - DN trong công tác hiện đại hóa hải quan năm 2018 cũng là chủ đề chính của một hội thảo do Tổng cục Hải quan tổ chức vừa qua tại Đà Nẵng.
Ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) đánh giá cao những nỗ lực của ngành Hải quan trong việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động cải cách, hiện đại hóa hải quan. Là người dành nhiều tâm huyết với chính sách thương mại, quản lý ngoại thương, ông Đào Huy Giám vui mừng khi trong văn bản, các cuộc họp của cơ quan quản lý các cấp thì mục tiêu hướng tới phục vụ DN đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
Trong những năm trở lại đây, hệ thống hải quan điện tử đã vận hành trôi chảy, nhuần nhuyễn và bao trùm gần như tất cả hoạt động XNK. Để đạt được kết quả như vậy, rõ ràng đó là sự cố gắng vượt qua khó khăn không chỉ của cơ quan quản lý mà cả với cộng đồng DN, với mục tiêu chuyển từ quản lý thủ công sang quản lý hiện đại.
“Nói hiện đại hóa có vẻ rất dễ nhưng công việc triển khai đòi hỏi một loạt yêu cầu: Chủ trương, quản lý chung, nguồn nhân lực, trang thiết bị, quy trình thao tác chuẩn mực hóa, người sử dụng dịch vụ sử dụng thuận tiện”- ông Giám nói.
Ông Đào Huy Giám cho rằng, vấn đề mà nhiều DN quan tâm là việc ứng dụng CNTT, những chính sách quản lý mới luôn phải gắn liền với việc vận hành ổn định và thuận tiện cho DN. Đồng thời tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động đối thoại, hội nghị đối thoại với DN, ghi nhận vướng mắc của DN để phục vụ cho việc hoàn thiện chính sách pháp luật lĩnh vực hải quan.
Chia sẻ thông tin về các hoạt động cải cách hiện đại hóa hải quan với cộng đồng DN, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, hiện nay Tổng cục Hải quan đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để rà soát chính sách về quản lý chuyên ngành, qua đó đề xuất giảm bớt thủ tục và đề nghị đưa thủ tục lên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Bên cạnh đó Tổng cục Hải quan đang dự thảo Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành và xác định hàng hóa như thế nào thì cần kiểm tra chuyên ngành trong thông quan, kiểm tra sau thông quan.
Doanh nghiệp cần chủ động
Trong công tác quản lý hải quan, điểm nổi bật là việc Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM). Bắt đầu từ việc triển khai thí điểm tại cảng biển Hải Phòng và sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó quy trình triển khai đã được đưa vào Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC. Hiện Tổng cục Hải quan đang tích cực triển khai tại các cửa khẩu, cảng biển quốc tế cũng như kho bãi trong nội địa, đồng thời thường trực để xử lý những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình triển khai.
Đại diện Cục CNTT và thống kê hải quan cho biết, về vấn đề cung cấp thông tin và minh bạch thông tin, trong thời gian tới Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường cung cấp thông tin tập trung để DN cũng như các đơn vị có liên quan khai thác, sử dụng, thay vì như hiện nay các đơn vị đều có cổng thông tin điện tử riêng, mỗi đơn vị tùy theo khả năng sẽ đưa thông tin lên cổng thông tin điện tử, dẫn đến thông tin không sát, giải đáp không đồng đều. Nâng cao chất lượng giải đáp vướng mắc cho DN, người dân cũng là vấn đề được Tổng cục Hải quan tập trung triển khai thực hiện.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ từ phía cơ quan Hải quan đối với DN, nhiều ý kiến mong muốn cộng đồng DN tham gia tích cực vào hoạt động quan hệ đối tác. Chẳng hạn trong vấn đề tham vấn, ông Hoàng Đình Trung, Phó trưởng Ban cải cách hiện đại hóa- Tổng cục Hải quan cho rằng, khi triển khai quan hệ đối tác Hải quan-DN, cơ quan Hải quan tiến hành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có giải pháp thúc đẩy tham vấn và đã ban hành quy chế để hướng dẫn hải quan tỉnh, thành phố trong việc tổ chức các hoạt động tham vấn chuyên nghiệp, bài bản. Hoạt động tham vấn không chỉ tham vấn riêng chính sách mà nhiều nội dung, đặc biệt gắn với cả quá trình thực hiện thủ tục hải quan của DN và cơ quan Hải quan các cấp. Hoạt động tham vấn có thành công hay không rất cần sự tham gia đóng góp, hợp tác của cộng đồng DN.
Cũng mong muốn DN tham gia chủ động vào hoạt động đối tác, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Vân cho rằng, phát triển đối tác Hải quan-DN có nghĩa là cả Hải quan và DN đều có quyền và nghĩa vụ. Cơ quan Hải quan công khai, minh bạch trong vấn đề cung cấp thông tin. Khi có bất cứ một văn bản nào mới công khai, cơ quan Hải quan gửi giấy mời đến DN để tổ chức tuyên truyền, phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào DN cũng tham gia theo kỳ vọng của cơ quan Hải quan, sự tham gia của lãnh đạo DN là rất ít, chủ yếu là nhân viên (đối tượng thường xuyên có sự thay đổi công việc). Về vấn đề giải đáp vướng mắc, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Vân cho rằng, bên cạnh sự chủ động tích cực hơn nữa của cơ quan Hải quan thì DN cũng cần chú trọng đến chất lượng câu hỏi gửi đến cơ quan quản lý. “Có những câu hỏi của DN khi gửi đến chưa rõ ràng, cụ thể để bộ phận tư vấn có thể trả lời. Thậm chí tại đơn vị nhiều trường hợp bộ phận tư vấn còn chủ động gọi điện để hỏi lại DN về nội dung vướng mắc. Để chất lượng tư vấn được kịp thời, chất lượng, DN cũng cần có thông tin rõ ràng, cơ quan Hải quan với tinh thần trách nhiệm sẽ trả lời cụ thể, rõ ràng”- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị.
Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan đã thực hiện tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hải quan, gồm: 2 Luật Quản lý thuế, Luật Thuế Giá trị gia tăng (Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Hải quan tham gia); 3 Nghị định, 3 Thông tư. Tính riêng năm 2018, Tổng cục Hải quan nhận được hơn 300 ý kiến phản biện xây dựng chính sách pháp luật hải quan, có 176/300 ý kiến được tiếp thu trực tiếp cho các văn bản đã được Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành trong năm 2018. Trong đó, có 76 ý kiến nhận được từ hình thức tham vấn cấp cơ sở; có 135 ý kiến từ tham vấn thường xuyên với Hiệp hội DN; có 78 ý kiến từ tham vấn theo chuyên đề và có 11 ý kiến từ khảo sát thực tế tại DN. Theo baohaiquan.vn |