Thủ tục Hải quan đối với hàng hoá kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu
Chuyển khẩu hàng hóa là gì? Quy định chung về chuyển khẩu hàng hóa như thế nào và thủ tục hải quan hiện hành đối với hàng hóa kinh doanh theo loại hình này được thực hiện như thế nào, ILT sẽ tổng hợp và liệt kê cụ thể như sau:
Chuyển khẩu hàng hóa là gì?
Điều 30 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 về chuyển khẩu hàng hoá quy định, chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo các hình thức sau đây:
- Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam thì không phải làm thủ tục hải quan.
- Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, có đưa vào khu vực kho bãi thuộc các cảng biển Việt Nam (không đưa vào kho ngoại quan, không đưa vào khu vực trung chuyển hàng hoá) thì phải làm thủ tục hải quan.
Quy trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu:
1. Trình tự thực hiện:
- Bước 1: Nộp cho Chi cục Hải quan nơi có hàng hóa nhập khẩu chuyển khẩu 01 bộ hồ sơ.
- Bước 2: Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện:
+ Tiếp nhận, kiểm tra bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu chuyển khẩu;
+ Xác nhận nhập khẩu và ký tên, đóng dấu công chức trên công văn đề nghị của doanh nghiệp;
+ Giám sát và theo dõi lô hàng chuyển khẩu cho đến khi xuất ra khỏi Việt Nam;
+ Sau khi hàng hóa xếp lên phương tiện, công chức hải quan giám sát tại cửa khẩu xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên văn bản đề nghị chuyển khẩu hàng hóa;
+ Trường hợp hàng hóa chuyển khẩu xuất qua cửa khẩu khác với cửa khẩu nhập nhưng cùng trong hệ thống khu vực cảng biển thuộc địa bàn giám sát của Cục Hải quan thì sau khi hàng hóa đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất, công chức hải quan giám sát xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên văn bản đề nghị chuyển khẩu hàng hóa; việc giám sát hàng hóa đưa ra, đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu thực hiện theo quy định;
+ Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện lô hàng chuyển khẩu có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quyết định kiểm tra thực tế và xử lý theo quy định.
2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính.
3. Thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị chuyển khẩu hàng hóa;
- Vận tải đơn hàng nhập khẩu: 01 bản chụp.
b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ);
4. Thời hạn giải quyết:
- Thời hạn tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan: ngay sau khi Bộ phận thủ tục hải quan ILT nộp,
- Thời hạn hoàn thành thành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải:
+ Hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan;
+ Hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hoá chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm Bộ phận thủ tục hải quan ILT xuất trình đầy đủ hàng hoá cho cơ quan hải quan;
Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày.
5. Người thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức hoặc Bộ phận thủ tục hải quan ILT được ủy thác.
6. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: mẫu số 22/CKHH/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
7. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
- Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam thì không phải làm thủ tục hải quan.
- Hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu phải được xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày được Chi cục Hải quan cửa khẩu hoàn thành việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.
- Hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hoá tại các cảng Việt Nam thì làm thủ tục hải quan theo quy định đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại các cảng Việt Nam.
- Hàng hóa kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tại cửa khẩu nhập.
- Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu thuộc đối tượng được miễn kiểm tra. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại Điều 29 Thông tư này.
8. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;
- Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm soát Hải quan;
- Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 89);
- Thông tư số 172/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực Hải quan.
Vui lòng liên hệ hotline: 0912 213 988 để nhận được ý kiến tư vấn chính xác nhất.