Theo các quy định mới, đến hết tháng 3-2016 là thời điểm cuối cùng các DN phải nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá trong năm tài chính cho cơ quan Hải quan. Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn ông Vũ Lê Quân (ảnh)- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) về tác động của quy định mới đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và phương thức quản lý của cơ quan Hải quan.

Thủ tục Hải quan hàng gia công - logistics Đông Dương

 

 

 

 

Xin ông cho biết những thay đổi cơ bản về thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, SX Xuất khẩu hiện nay?

Chính sách pháp luật quy định về hoạt động gia công, SX Xuất khẩu trong thời gian gần đây có sự thay đổi lớn. Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản dưới Luật đã góp phần giảm bớt các thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công, SX Xuất khẩu.

Cụ thể, kể từ ngày 1-4-2015, thực hiện Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, công tác quản lý của cơ quan Hải quan đối với loại hình nhập SX Xuất khẩu và gia công với thương nhân nước ngoài có những thay đổi lớn và căn bản. So với Thông tư 128/2013/TT-BTC và Thông tư 13/2014/TT-BTC thì nhiều quy định mới tại Thông tư 38/2015/TT-BTC đã thay đổi theo hướng đơn giản tối đa, phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, trong đó phải kể đến thủ tục quản lý, thanh khoản đối với hàng nhập SX Xuất khẩu và gia công với thương nhân nước ngoài.

Nếu như trước đây, khi làm thủ tục hải quan theo loại hình gia công và nhập SX Xuất khẩu, người khai hải quan phải thực hiện nhiều thủ tục, với nhiều loại giấy tờ, chứng từ thì nay đã cắt giảm đáng kể các khâu thủ tục, nhằm tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm chi phí về thời gian, giấy tờ, đi lại… cho DN. Quy định mới của pháp luật đã bỏ các thủ tục thông báo hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công; thông báo, điều chỉnh định mức gia công, SX Xuất khẩu, thông báo nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm Xuất khẩu; thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công. DN chủ động và tự chịu trách nhiệm về việc chuyển giao nguyên vật liệu giữa các hợp đồng gia công và chỉ phản ánh trong bảng nhập-xuất-tồn. Thủ tục thanh khoản theo từng hợp đồng gia công cũng được bỏ, DN chỉ thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị theo năm tài chính của DN.

Những quy định mới tạo thuận lợi cho DN nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công chức Hải quan trong công tác quản lý. Theo ông, DN và Hải quan địa phương phải lưu ý vấn đề gì khi lần đầu tiên DN thực hiện báo cáo quyết toán?

Việc thay đổi về cách thức thực hiện và phương thức quản lý đối với loại hình gia công, SX Xuất khẩu tạo thuận lợi cho DN nhưng cũng yêu cầu DN phải nâng cao ý thức tuân thủ, đồng thời cơ quan Hải quan cũng cần có sự quản lý để vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo quản lý Nhà nước về hải quan.

logistics đông dương - quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu hàng hóa

Thời điểm này là lần đầu cơ quan Hải quan và DN cùng bắt đầu thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định mới nên sẽ không tránh khỏi một số bỡ ngỡ. Đối với CBCC Hải quan, việc thay đổi từ phương thức quản lý cũ sang một phương thức quản lý mới sẽ phải cố gắng để tiếp cận và triển khai. Cả DN và CBBC Hải quan cần nắm rõ các quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, Quyết định 1966/QĐ-TCHQ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan để thực hiện. Đối với các báo cáo quyết toán do DN gửi đến, cơ quan Hải quan sẽ tiếp nhận. Dựa trên phương thức quản lý rủi ro và những thông tin thu thập của CBCC Hải quan được phân công theo dõi DN, cơ quan Hải quan sẽ xác định các trường hợp phải kiểm tra báo cáo quyết toán gồm: Báo cáo quyết toán của tổ chức, cá nhân nộp lần đầu; báo cáo quyết toán có sự chênh lệch bất thường về số liệu so với hệ thống của cơ quan Hải quan; kiểm tra sau khi ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra báo cáo quyết toán trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ của tổ chức, cá nhân.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có các đoàn khảo sát từ phía Hải quan và DN từ Bắc-Trung-Nam để nắm bắt vướng mắc khi triển khai theo quy định mới. Tổng cục Hải quan cũng đã có một số văn bản tháo gỡ vướng mắc cho DN và hải quan địa phương khi thực hiện báo cáo quyết toán. Ngày 29-2, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn DN chi tiết về cách lập báo cáo quyết toán. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các Chi cục Hải quan tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến tận DN.

Trong thời điểm hiện nay, riêng đối với loại hình SX Xuất khẩu, DN chưa phải thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá theo mẫu số 15/BCQT-NVL-GSQL ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Cơ quan Hải quan thực hiện việc quản lý nguyên liệu xuất-nhập-tồn đối với loại hình này trên cơ sở hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế do DN nộp.

Xin cảm ơn ông!

NgọcLinh (thực hiện) / Báo Hải Quan